Không dễ gì để tiết kiệm và lập mục tiêu tài chính
Theo Korea Times đưa tin, báo cáo tiêu dùng tài chính năm 2023 do Viện Tài chính Hana công bố hôm 29/12, có 86% thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình, tương đương 4,89 triệu won (3.800 USD), được dùng để chi trả các khoản cố định, bao gồm bảo hiểm và thanh toán thế chấp.
Đáng chú ý, báo cáo mới nhất cho thấy 13% người dân Hàn Quốc không thể tiết kiệm được đồng nào, bởi chi tiêu luôn vượt quá thu nhập. Cứ 10 người Hàn Quốc thì có 3 người nói rằng tiết kiệm hay đặt ra những mục tiêu tài chính là điều xa xỉ đối với họ.
Dựa trên khảo sát 5.000 người trưởng thành khắp Hàn Quốc, báo cáo nhằm mục đích xem xét yếu tố thay đổi đa chiều của tài chính người tiêu dùng, cũng như ý kiến của họ về các vấn đề hiện nay.
Kết quả cho thấy, cứ 3 trên 10 người được hỏi không có mục tiêu tài chính vì sau khi trừ hết các khoản cố định, họ chỉ còn lại một ít tiền. Trong đó, 17,9% cho biết mình gặp gánh nặng khi duy trì cuộc sống đơn giản hàng ngày. Còn 13,4% khác nói rằng, họ chưa bao giờ thiết lập mục tiêu tài chính.
Tỷ lệ này đặc biệt cao ở thế hệ MZ (Milennials và Gen Z) và cho thấy một thực tế rằng, người trẻ ở xứ sở kim chi đang không đủ khả năng chuẩn bị cho tương lai.
Nhiều người trẻ bắt đầu lo lắng hơn cho tương lai khi không có khả năng tiết kiệm tiền. Ảnh: SCMP
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát của Viện Tài chính Hana cũng cho thấy, có tới 8/10 người Hàn Quốc tham gia đầu tư hoặc đã cân nhắc đầu tư vào tiền điện tử. Điều này phản ánh làn sóng bùng nổ đầu tư trong vài năm qua khi người trẻ mong muốn thu được lợi nhuận đầu tư cao, trở thành nguồn thu nhập thụ động lý tưởng.
Tuy nhiên, không phải mọi quyết định đầu tư đều có kết quả khả quan. Cuộc khảo sát cho thấy 71,1% nhà đầu tư tiền ảo đã chịu khoản lỗ đầu tư hơn 10%, cao gấp 2,7 lần so với những người thu được lợi nhuận đầu tư hơn 10%.
Trào lưu "No-spend Challenge": Hy vọng để thay đổi dần các thói quen
Trước tình hình lạm phát, một trào lưu sống mới đang trở thành xu hướng được mọi người truyền tay nhau với tên gọi là "No-spend Challenge" - Thử thách không chi tiêu.
Nếu như trước đây, những khẩu hiệu như "YOLO" hay "Bạn chỉ sống một lần trên đời" khiến người trẻ muốn tập trung hưởng thụ để thỏa mãn nhu cầu ở hiện tại thì hiện nay, họ đang dần hình thành các thói quen chi tiêu tiết kiệm. Điển hình là trào lưu không tiêu tiền giúp họ học cách cắt giảm chi tiêu càng nhiều càng tốt.
Một nhân viên văn phòng, hơn 20 tuổi, tại Hàn Quốc đã cho biết: "Tôi đã thực hiện thử thách này được 8 tháng. Nhiều khả năng mức thu nhập của tôi sẽ không có gì thay đổi nên nếu tôi muốn mua được nhà trong tương lai, tôi buộc phải thay đổi cách chi tiêu. Do đó, tôi đã thực hiện thử thách này."
Cô cũng đưa ra lời khuyên cho mọi người rằng: "Đối với những người mới bắt đầu, các bạn nên đặt cho mình những mục tiêu ngắn hạn, ví dụ như là trong vòng ba ngày".
Nữ nhân viên trẻ đã nhận thấy kết quả khả quan sau khi áp dụng thử thách trong một tháng đầu tiên. Cô tiết kiệm được rất nhiều tiền khi cắt giảm hầu hết chi tiêu, không đi chơi trong vòng 22 ngày, hầu như không còn ăn ngoài hay gọi đồ giao hàng tận nơi.
Cô cho biết: "Mục tiêu của tôi là sở hữu một tòa nhà để có thể kiếm tiền cho thuê, không cần phải đi làm. Tôi đang tích cóp cho mục tiêu này".
Không chỉ cô gái trẻ này, mạng xã hội Hàn Quốc cũng tràn ngập các bài đăng và hashtag liên tục xoay quanh thử thách "không chi tiêu".
Eum Ji Young, phóng viên của Arirang News, cũng là một trong những người đang tham gia thử thách để tiết kiệm tiền nhất có thể.
Young tiết lộ: "Thay vì đi taxi hoặc xe buýt, tôi đã rời khỏi nhà sớm và đi bộ đi làm. Những ngày mưa, tôi sẽ đi taxi. Vì vậy, bằng việc đi bộ, tôi đã có thể tiết kiệm khoảng 6 USD. Vào bữa trưa, thay vì ăn ở ngoài, tôi đã ăn trưa tại quán cà phê của cơ quan và tiết kiệm được khoảng 7 USD. Trước đây tôi thích uống cà phê ở Starbucks, nhưng sau đó tôi đã chuyển sang cà phê miễn phí tại cơ quan, tiết kiệm được khoảng 4 USD. Với bữa tối, tôi mang thức ăn từ nhà đi để không phải dùng bữa ở hàng tạp hóa hoặc ăn uống bên ngoài. Tổng cộng, tôi có thể tiết kiệm khoảng 24 USD/ngày."
Tuy nhiên, Arirang News cũng đưa ra nhận định rằng, thay vì cắt giảm tất cả các khoản chi tiêu, có lẽ mọi người nên ưu tiên cho những gì bản thân coi trọng hơn. Với những gì xứng đáng và bắt buộc phải tiêu, bạn vẫn nên chi tiêu phù hợp. Nếu cắt giảm quá mức, mọi người chỉ càng nhanh nản chí, sau đó sẽ từ bỏ việc tiết kiệm và quay lại với lối sống trước kia.
*Nguồn: Koreatimes, Arirang