Sức khỏe

Tai nạn gây thương tích tăng mạnh dịp hè: Phòng ngừa cho trẻ thế nào?

Tai nạn gây thương tích tăng mạnh dịp hè: Phòng ngừa cho trẻ thế nào? - Ảnh 1.

Dù đã thoát nguy kịch, bệnh nhi 1 tuổi bị rơi xuống ao nước gần nhà vẫn còn tổn thương não - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cung cấp

Theo các bác sĩ, tai nạn thường gặp nhất ở trẻ em là: bỏng, ngộ độc, gãy tay chân, té ngã gây chấn thương, tai nạn giao thông, đuối nước...

Nhiều trẻ được cứu sống kịp thời nhưng vẫn để lại di chứng về sau.

Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Các biện pháp cơ bản phòng chống tai nạn thương tích trong nhà cho trẻ cần được chú ý quan tâm.

Hàng trăm ca trong 1 tuần

Ngày 8-6, bác sĩ Nguyễn Quang Tiến - trưởng khoa chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết: từ thời điểm sau dịch COVID-19 bùng đến nay, đặc biệt vào hè số trẻ bị tai nạn thương tích đến khám và nhập viện gia tăng đột biến.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ bị tai nạn thương tích và tai nạn giao thông đến khám ngoại trú và nhập viện bắt đầu tăng từ tháng 5 đến nay. Trong tháng 5 có 385 trẻ em bị tai nạn thương tích đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Tuần đầu tháng 6 (từ đầu tháng 6 đến ngày 7-6) có 123 trẻ khám và nhập viện do tai nạn thương tích.

Nhiều tình huống dẫn đến tai nạn

Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) liên tiếp tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ nhập viện cấp cứu do tai nạn thương tích. Đã có nhiều trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch, dù đã được cứu sống nhưng khả năng di chứng về sau vẫn còn.

Điển hình trường hợp bệnh nhi 1 tuổi bị đuối nước được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện huyện Cần Đước (Long An) trong tình trạng tím tái, gồng người. Các bác sĩ đã phải tập trung ép tim, liên tục dùng thuốc cấp cứu trợ tim mạch. Sau hai ngày chống phù não tích cực, phủ kháng sinh trị viêm phổi hít, thở máy hỗ trợ, bé tạm thoát cơn nguy kịch nhưng dự hậu tổn thương não vẫn còn.

Theo lời kể của gia đình, cách ba tiếng trước khi tai nạn xảy ra, bé đang chơi trước sân thì mẹ bé đi tắm. Khi tắm xong không thấy bé đâu mẹ đã đi tìm. Sau 10 phút, người mẹ phát hiện bé đang nổi trên ao nước cạnh nhà. Gia đình đã nhanh chóng đưa bé lên và tiến hành ép tim, xốc nước cho bé.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng cấp cứu hai trẻ 8 tuổi và 3 tuổi bị bỏng nặng các vùng mặt, cổ, ngực, bụng, vai, cánh tay, cẳng chân, bộ phận sinh dục...

Trong đó, bé 8 tuổi bị bỏng do cầm chai cồn sát khuẩn chạy qua khu bếp đang nấu thức ăn. Hậu quả là lửa bén vào quần áo, khiến trẻ bị cháy trong một phút trước khi gia đình giội nước cứu. Còn bé 3 tuổi bị bỏng xăng cùng cả gia đình là do bất cẩn làm đổ chai đựng xăng sau khi chiết ra ngoài và lan xuống khu vực nhà bếp, phát hỏa.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho hay: trẻ, đặc biệt trong độ tuổi từ 1 đến 3, có thể bị các tai nạn thương tích tại nhà như dị vật đường thở, điện giật, bỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, chấn thương... Tại bệnh viện, qua báo cáo của các khoa liên quan đều cho thấy số ca nhập viện, cấp cứu vì tai nạn thương tích đang gia tăng trong thời gian gần đây.

Phòng ngừa bằng cách nào?

Trước tình hình này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, cách phòng ngừa chung nhất là luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ và thiết kế, trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà phụ huynh cảm nhận, ý thức được.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến cũng cho rằng có rất nhiều tình huống dễ dẫn đến tai nạn, chấn thương ở trẻ em. Người lớn phải giữ an toàn cho trẻ bằng cách hiểu biết các tình huống, dự đoán những nguy cơ gây tai nạn thường gặp, từ đó có các biện pháp phòng tránh và làm cho môi trường sống an toàn hơn cho trẻ em.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến chia sẻ các cách ngừa:

Phòng ngừa bỏng: Các phụ huynh không nên để trẻ tới gần khu vực nấu ăn, tránh các loại thức ăn vừa được nấu nướng xong, các loại chất lỏng nóng như nước sôi, nước canh... cần được đặt ở các vị trí xa tầm với của trẻ. Nếu phải để trẻ vào khu vực nhà bếp thì phụ huynh cần chú ý luôn giám sát từng hoạt động của trẻ và tránh các vật dụng nóng khỏi tầm với của trẻ.

Hệ thống nước nóng sử dụng trong gia đình không được đặt quá 50OC. Hệ thống điện thiết kế để xa tầm tay trẻ em; các hệ thống báo động khói, lửa cần được cài đặt ở tất cả các tầng trong nhà và gần các phòng ngủ. Đảm bảo nếu có cháy xảy ra thì các phụ huynh có thể di dời ngay tới nơi an toàn.

Phòng ngừa trẻ bị ngộ độc: Loại bỏ các loại thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc không cần thiết, kể cả các loại thuốc kê theo đơn hay thuốc không kê theo đơn cũng cần rà soát lại sau thời gian sử dụng. Các loại thuốc hay sản phẩm chăm sóc cá nhân, dung dịch tẩy rửa và hóa chất gia dụng nên để xa tầm tay của trẻ em.

Phòng đuối nước: Đuối nước hiện vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 14 tuổi. Vì vậy, cần thận trọng khi trẻ nhỏ ở xung quanh khu vực có chứa nước như bồn tắm, xô, nhà vệ sinh... Giám sát trẻ chặt chẽ bất cứ khi nào trẻ chơi ở các khu vực có nước. Trong nhà nên đóng cửa phòng tắm khi không sử dụng; nên cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước.

Ngăn ngừa té ngã: Thông thường, các tình huống trẻ ngã và nhào lộn là không thể tránh khỏi khi trẻ học cách đứng, đi, chạy và leo trèo. Vì vậy tại nhà nên lắp đặt các tấm chắn cửa sổ, cửa cầu thang, thanh chắn bảo vệ... Phụ huynh chú ý không nên để trẻ trên bàn thay đồ, trên võng, bàn ghế một mình không có sự giám sát của người lớn.

* Khi đưa trẻ đến các khu vực sân chơi ngoài trời, nơi công cộng cần chú ý chọn nơi phù hợp với lứa tuổi, mặt sân có bề mặt mềm, không cho trẻ chơi các trò chơi mạo hiểm...

l Một số tình huống tai nạn khác ở trẻ nhỏ: Có rất nhiều tình huống có thể dẫn tới tai nạn thương tích ở trẻ, có một số tình huống mà các bậc phụ huynh không thể ngờ tới, vì vậy cần chú ý các tình huống xảy ra ở trẻ bất cứ khi nào, ở đâu như trẻ bị các chấn thương ở mũi do khi chạy bị va đập vào các vật cứng cố định, bị đồ chơi văng vào người, trẻ đánh nhau với các trẻ khác.

* Trẻ nhét các đồ vật vào lỗ mũi hoặc tai, miệng... thường là các viên đá nhỏ, sỏi, các hạt đậu, đồ chơi, pin...

* Vết cắt và trầy xước do móng tay nhọn, vật nuôi, vật sắc nhọn, cạnh đồ nội thất, gậy và các vật nhọn khác bên ngoài.

* Các tổn thương ở mắt do bụi, thuốc xịt hóa chất hoặc các loại tạp chất khác. Các vết cắn từ động vật, côn trùng hoặc từ các trẻ khác...

Có rất nhiều tình huống dễ dẫn đến tai nạn, chấn thương ở trẻ em. Người lớn phải giữ an toàn cho trẻ bằng cách hiểu biết các tình huống, dự đoán những nguy cơ gây tai nạn thường gặp. Từ đó có các biện pháp phòng tránh và làm cho môi trường sống an toàn hơn cho trẻ em.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm