Anh Phạm Dũng – một kỹ sư công nghệ cao đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi năm nay 29 tuổi, làm việc ở Hà Nội và vẫn còn độc thân, tôi có sẵn 500 triệu đồng và đang có nhu cầu mua nhà với mức tối đa 2 tỷ đồng. Hiện thu nhập của tôi trên 30 triệu/tháng, nếu trừ tiền sinh hoạt cá nhân, hàng tháng tôi có thể trả góp tối đa 15 triệu đồng. Mức ngân sách trên của tôi đã hợp lý chưa và liệu tôi có nên mua nhà thời điểm này?”
Nhiều người trẻ lăn tăn có nên vay ngân hàng để mua nhà ở và vay bao nhiêu thì vừa sức?
Cũng theo anh Dũng, khi biết anh có ý định mua nhà trả góp thì một số người bạn lại khuyên anh nên dành tiền mua đất, để một thời gian khi đất tăng giá và dồn thêm tiền khi đó anh có thể mua nhà rộng hơn hoặc không phải nợ ngân hàng nhiều.
“Một vài người bạn thân thì khuyên tôi nên dùng 500 triệu đồng về quê hoặc khu vực vùng ven như Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì mua đất nền. Vài năm sau, giá đất tăng lên thì bán. Lúc đó, tôi có thể vay ngân hàng với số tiền ít hơn hoặc có thể mua được nhà rộng hơn. Tôi thực sự đang băn khoăn quá, rất mong những người có kinh nghiệm tư vấn giúp để tôi có quyết định tốt nhất”...
Mua nhà hẳn là một trong những chuyện quan trọng nhất trong đời người. Không chỉ bởi nó là một tài sản lớn mà còn vì đó sẽ là nơi an cư, là tổ ấm, thường đồng hành cùng chúng ta trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên, câu chuyện tài chính luôn khiến nhiều người phải cân nhắc, nên mua nhà trong nội thành cho tiện hay mua nhà ngoại thành cho rộng và thoáng? Nên vay ngân hàng mua trả góp hay cố “cày” đủ tiền để "mua đứt", lúc nào mới là thời điểm thích hợp để mua nhà (nên mua nhà trước khi cưới vợ hay cưới vợ rồi cả hai cùng dồn tiền mua nhà),… thực sự là những chủ đề chưa bao giờ hết "hot".
Thậm chí, nhiều bạn trẻ dù có khả năng tài chính nhưng lại có quan điểm thuê nhà sướng hơn mua, muốn ở đâu thì ở, thà để tiền đó để kinh doanh hoặc đầu tư chứng khoán, lúc cần còn rút ra linh hoạt và không bị áp lực nợ nần.
Chia sẻ của anh Dũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của đồng nghiệp và bạn bè.
Anh Nguyễn Văn Hải – một kỹ sư công nghệ (35 tuổi) cũng mới mua nhà, góp ý: “Bản thân mình nghĩ thời điểm không phải là vấn đề, trước tuổi 30 hay sau 30 tuổi cũng không quan trọng. Điều quan trọng là khi mình cần và tài chính đủ đảm bảo để mua nhà mới là lúc xuống tiền đúng đắn nhất”.
Là một người có kinh nghiệm trọng lĩnh vực bất động sản căn hộ, chị Hà (Hà Đông) đã đưa ra phân tích: “Với số tiền tối đa khoảng 2 tỷ đồng, bạn chỉ mua được chung cư tầm 55m – 60m ở các khu xa trung tâm. Bạn thử làm một phép tính đơn giản và so sánh, với khoản vay 1,5 tỷ đồng, hàng tháng bạn phải chi trả chừng 20 triệu tiền gốc và lãi ngân hàng. Với số tiền đó bạn có thể thuê nguyên 1 căn hộ ở thoải mái mà hàng tháng vẫn dư được 10 triệu; trong khi nếu mua một căn nhà như trên chưa chắc đã mang lại cho bạn những tiện ích bằng ở nhà thuê nhưng gần nơi làm việc.
Vậy bạn chọn phương án nào? tốt nhất bạn nên dành số tiền đang có để đầu tư và tích cóp thêm một thời gian, khi nào có số tiền bằng 70 – 80% tổng giá trị căn nhà thì mua vẫn chưa muộn”.
Một số đồng nghiệp khác thì góp ý, ai cũng mong muốn tự làm ra tiền để mua nhà cho riêng mình, nhưng nếu phải vay mượn quá nhiều và chưa có gia đình thì không nhất thiết phải vội vàng mua nhà để rồi gồng số nợ ngân hàng nhiều như vậy:
“Cuộc sống quá nhiều bất trắc. Công việc, sức khỏe, dịch bệnh,…không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Số tiền dự trù mua nhà của bạn tối thiểu mới đạt 1/4, vậy tại sao phải tự mua gông buộc mình”; “Khi bạn có gia đình, hai vợ chồng cùng chung tay mua nhà cũng vẫn chưa muộn. Các cụ dạy “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” mà”....
Theo các chuyên gia tài chính, với người mua nhà để ở nên cân nhắc khi vay ngân hàng vì lãi suất ngân hàng sẽ thay đổi tùy từng thời điểm, do đó để an toàn người mua để ở chỉ nên vay với mức từ 30 – 40%, song phải tính toán, cân nhắc kỹ các khoản chi ra.
Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho rằng, không có công thức chung nào về tỷ lệ vay ngân hàng cho mỗi người để vay đầu tư bất động sản hay mua nhà. Theo ông Hà, 30%,50%... không quan trọng bằng năng lực trả nợ của người mua nhà. Nếu khả năng trả nợ tốt, thu nhập cao, họ có thể vay tối đa. Nếu năng lực trả nợ thấp, không chịu được áp lực thì họ cần giảm tỷ lệ vay ngân hàng xuống.
Cùng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc – một chuyên gia BĐS khác tại Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên về tài chính khi người trẻ mua nhà. Theo ông Phúc, vay ngân hàng là một giải pháp cho người trẻ khi tích lũy mua nhà chưa nhiều, nhưng cố gắng chỉ nên vay tối đa 50%. Chẳng hạn, căn nhà 2 tỉ đồng thì vay chỉ vay tối đa 1 tỉ đồng.
Trong trường hợp không lo đủ số tiền ứng trước 50% thì có thể vay thêm một chút nhưng tuyệt đối không quá 70% vì gánh nặng tài chính sẽ rất lớn, những rủi ro về siết nợ ngân hàng dễ xảy ra.