Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật thuế Tiêu thụ Đặc biệt (sửa đổi) vào sáng ngày 27/11.
Nội dung thảo luận chính đối với Dự án Luật này là lộ trình tăng thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB) với một số mặt hàng tuy nhiên theo các đại biểu Quốc hội việc điều chỉnh thuế cần hài hòa giữa lợi ích của bộ ba: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cần có cơ chế đủ mạnh để DN phục hồi sau đại dịch
Trao đổi bên Hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất là tăng thuế hàng năm nhằm thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020.
Theo đề xuất sửa đổi mới nhất của Bộ Tài chính, mặt hàng thuốc lá sẽ có mức tăng thuế liên tục theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030. Trong đó:
+ Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
+ Phương án 2: Năm 2026 giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75%, mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Tuy nhiên, cần hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, hướng đến bảo đảm lợi ích và chia sẻ những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.
Đơn cử như, thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá, trong đó có mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ 2006 đến nay (từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3 - 4 năm/lần).
Thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá đang áp mức thuế suất cao nhất là 75%. Nhiều ý kiến cho rằng, sửa luật thuế TTĐB cần đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu ngân sách Nhà nước ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kiểm soát sản phẩm nhập lậu, sản xuất lậu...
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đồng tình với quan điển này, hướng đến bảo đảm hòa hài hòa lợi ích và chia sẻ những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Việc đề xuất xây dựng tăng thuế thì đối với thuốc lá rồi rượu bia và cả ô tô là các nhóm đối tượng được đưa ra để mà đề nghị điều chỉnh tăng thuế đợt này, theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu là hợp lý.
Tuy nhiên, lộ trình và mức tăng thì cần có sự cân nhắc để làm sao mà doanh nghiệp khi mà bước vào sản xuất kinh doanh thì là giúp được ổn định, có cơ chế đủ mạnh để mà phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng cho biết thêm, những mặt hàng thuộc thuế TTĐB thường nằm trong chuỗi doanh nghiệp sản xuất, do đó số lượng người lao động cũng chiếm phần lớn. Vì vậy, khi điều chỉnh thuế thì cũng cần tính đến tác động đối với người lao động và hiệu quả định hướng hành vi tiêu dùng.
“Tôi thấy nên giãn về thời gian, mặc dù đưa ra hai phương án. Phương án 1 thì giá trị tuyệt đối cũng có những mức khác đối với từng loại loại thuốc lá, loại rượu dưới 20 độ, từ 20 độ trở lên cũng có định mức khác nhau. Việc áp dụng đến năm 2030 thực hiện theo giá thuế tuyệt đối thì cũng nên tính toán thêm", đại biểu Sửu nêu ý kiến.
Đại biểu nhấn mạnh, cần có có nghiên cứu và cân nhắc đối với các nhóm đối tượng hàng hóa, dịch vụ là thuốc lá, rượu, bia để tạo sự đồng thuận trong xã hội, và cũng tạo được cái niềm tin, động lực cho doanh nghiệp, để họ bước vào sản xuất, bước vào kinh doanh, tạo thu nhập cho người lao động và cũng sẽ là tạo một sự cân bằng trong việc chi tiêu, sử dụng các cái sản phẩm, dịch vụ đó đối với người tiêu dùng thì nó sẽ tốt hơn, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với thực tiễn hiện nay, trong phiên thảo luận tại tổ ngày 22/11, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, mức thuế suất cần tính toán sao cho hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Đối với mặt hàng thuốc lá, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, dự thảo Luật có bổ sung định nghĩa “thuốc lá” nhưng chưa phù hợp với định nghĩa về “thuốc lá” trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Việc giải thích “thuốc lá” hiện nay chưa bao quát được mặt hàng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Vì vậy, đại biểu cho rằng, nên có quy định chung về thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên cơ sở đó sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và đưa các quy định này vào thì sẽ phù hợp hơn.
Liên quan đến thuế suất, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc tăng thuế là cần thiết nhưng nếu tăng ngay trong thời điểm khi Luật có hiệu lực thi hành thì sẽ ảnh hưởng, tác động đến các chuỗi ngành hàng như bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá… Do vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, tính toán lộ trình tăng cho phù hợp với mục tiêu đề ra.
Chia sẻ thêm từ ý kiến của địa phương, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các doanh nghiệp đề nghị Quốc hội xem xét phương án lộ trình tăng thuế suất phù hợp thay vì tăng ngay trong năm tới và các năm tiếp theo.
Lo ngại gia tăng hàng hoá nhập lậu
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, bản chất của Thuế TTĐB là định hướng hành vi tiêu dùng, vì vậy cần lưu ý đến khả năng gia tăng tiêu dùng các sản phẩm nhập lậu. Bởi những sản phẩm thuế chính thống nếu đánh thuể cao thì có khả năng người tiêu dùng và người kinh doanh các sản phẩm đó sẽ nghĩ ngay đến cái câu chuyện là là giảm được nguồn chi phí: Như chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất mà chỉ việc tiêu dùng các sản phẩm lậu bằng nhiều con đường khác.
Thêm nữa cũng phải tạo điều kiện cho những người dân tại các vùng nguyên liệu có thời gian chuyển đổi lao động, chuyển đổi nguồn thu nhập và chuyển đổi cái phương thức sản xuất.
An sinh xã hội, tạo sinh kế rất quan trọng, sinh kế cho người dân rất quan trọng để góp phần ổn định đất nước. "Muốn có được ổn định đất nước thì phải bắt đầu từ câu chuyện của sinh kế phải ổn định, an ninh trật tự, ổn định, không để nó sẽ dẫn đến những cái cái hiệu ứng tích cực khác", Đại biểu nói.