Nghề quản lý có thể được trả lương hàng chục triệu đồng nhưng đi kèm với đó là áp lực công việc không hề nhỏ.
Các nhân vật của công chúng là những người bận rộn với lịch trình dày đặc. Họ thường thuê những người quản lý người nổi tiếng để lên kế hoạch cho lịch trình, đàm phán hợp đồng và giám sát các mối quan hệ công chúng.
Có thể nói nghề quản lý đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo bàn đạp giúp hình ảnh người nghệ sĩ được phủ sóng, đến gần hơn với khán giả.
Nghề đặc biệt không làm 8 tiếng/ngày
Người quản lý đại diện cho những người nổi tiếng. Nhiệm vụ chính của họ là quản lý lịch trình và hợp đồng của những người nổi tiếng. Bên cạnh đó, họ còn đóng vai trò là "nhà tư vấn tâm lý", đưa ra lời khuyên khi nghệ sĩ gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống.
Với tính chất nghề nghiệp đặc thù, thời gian người quản lý dành cho công việc không cố định, có khi phải theo sát nghệ sĩ 24/24.
Quản lý không đơn giản chỉ là người nhận show, sắp xếp lịch diễn mà còn phải định hướng được con đường cho nghệ sĩ. Chỉ cần một quyết định sai cũng gây nên tổn thất nặng nề, khó lường trước.
Hình minh họa. Ảnh: iStock
Trong một chương trình giải trí của đài JTBC, nhiều quản lý thần tượng Hàn Quốc đã có những tiết lộ rất thú vị về nghề quản lý. Đầu tiên, họ sẽ là những người đảm bảo lịch trình diễn ra đúng kế hoạch, chăm chút bữa ăn, giấc ngủ của thần tượng, đôi khi là "vệ sĩ" bất đắc dĩ mỗi khi các ngôi sao di chuyển ra sân bay, thỉnh thoảng kiêm luôn vị trí chỗ dựa tinh thần.
Không riêng công việc làm quản lý nghệ sĩ, trong tất cả các ngành nghề khác nhau đều có mặt sáng, mặt tối, những góc khuất mà công chúng không thể thấy được.
Showbiz được ví như thế giới thu nhỏ, muôn hình vạn trạng. Là người của công chúng, nghệ sĩ thường xuyên phải đối mặt với những tin đồn không đáng có. Chưa rõ đúng sai, nhưng chắc rằng, quản lý sẽ phải đứng ra giải quyết, vừa để giữ hình ảnh tốt đẹp của nghệ sĩ, vừa giúp khán giả hài lòng.
Thu nhập hấp dẫn đi kèm nhiều đặc quyền
Công việc vất vả, áp lực, hy sinh nhiều nhưng lại luôn đứng sau hào quang nghệ sĩ, tuy nhiên thu nhập của các quản lý rất cao. Tùy theo thâm niên trong nghề, các quản lý có mức lương thu nhập khác nhau. Ví dụ, thu nhập một tháng của quản lý mới vào nghề chỉ rơi vào khoảng gần 20 – 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau vài năm kinh nghiệm, nếu được thăng chức lên leader, họ sẽ có lương tháng lên đến gần 40 – 60 triệu đồng. Cho đến khi trở thành quản lý cấp cao hơn, họ thậm chí thu về 100 – 120 triệu đồng.
Tuy mức lương có thể không xứng đáng với công sức bỏ ra, áp lực về mặt thời gian và khối lượng công việc, nhưng các quản lý có thêm một đặc quyền ít ai biết đó là ít phải chi trả các khoản chi phí cá nhân bởi mọi thứ đều do các công ty chu cấp: từ xe hơi, thẻ ngân hàng dùng trong các hoạt động, chi phí phát sinh đều được chi trả hợp lý.
Hình minh họa. Ảnh: iStock
Muốn làm quản lý nghệ sĩ cần đáp ứng điều kiện gì?
Để trở thành một nhà quản lý người nổi tiếng, bạn cần có các kỹ năng làm việc với những khách hàng khắt khe và được đào tạo hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị và tài chính.
Theo Indeed, đây là những yêu cầu cơ bản để có thể làm quản lý cho các ngôi sao:
1. Có bằng cử nhân
Một người quản lý cần có được kiến thức và đào tạo giống như bất kỳ chuyên gia nào khác. Bạn có thể học nhiều ngành khác nhau như tài chính, truyền thông, kế toán, quan hệ công chúng hoặc quản trị kinh doanh... Bằng cử nhân nghệ thuật về quản lý văn học, điện ảnh hoặc nghệ thuật cũng có thể giúp bạn chuẩn bị cho sự nghiệp quản lý người nổi tiếng.
2. Đi thực tập
Trong quá trình học hoặc ngay sau khi tốt nghiệp đại học, bạn cần tìm công việc thực tập với các nhà tuyển dụng trong ngành như các cơ quan tài năng, các tổ chức giải trí hoặc các công ty quan hệ công chúng. Mặc dù vị trí thực tập sinh có thể chỉ giới hạn trong các nhiệm vụ hành chính, nhưng bạn có thể tìm hiểu về ngành và gặp gỡ những người có thể giúp bạn tìm việc làm hoặc thăng tiến sự nghiệp sau này. Bạn có thể tham dự các bữa tiệc và sự kiện, nơi bạn có thể kết nối với các chuyên gia và người nổi tiếng khác.
Để có cơ hội đi xa hơn, bạn cần tạo ấn tượng tốt trong thời gian thực tập bằng cách đến nơi làm việc đúng giờ, ăn mặc chuyên nghiệp, thái độ tích cực, ham học hỏi và hoàn thành mọi công việc đúng hạn.
3. Tích lũy kinh nghiệm làm việc
Công việc trợ lý nghệ sĩ không chỉ cần kinh nghiệm làm trong ngành truyền thông mà còn cần rất nhiều kỹ năng khác như chịu được áp lực, biết cách quản lý thời gian... Những điều này cần được trau dồi qua quá trình làm việc thực tế.