Nhà sáng lập Học viện Nghệ thuật tiếng Anh Diệu kỳ, bà Trúc Thi tự cho mình có khả năng thuyết trình với kinh nghiệm từng làm MC-biên tập viên truyền hình, cũng như nhiều trải nghiệm về nghệ thuật, văn hóa và giáo dục, nhưng màn thuyết trình lan man và "lạc đề" đã đẩy startup non trẻ này ra về tay trắng.
Nhận thấy vấn đề trong khả năng dạy tiếng Anh hiện nay, bà Trúc Thi với kinh nghiệm 20 năm trong ngành giáo dục đã dành thời gian nghiên cứu và tìm ra câu trả lời cho bài toán: Tại sao nhiều người học tiếng Anh nhưng không mang lại hiệu quả?
Theo đó, bà Trúc Thi thấy được bài toán này bắt nguồn từ 5 vấn đề chính là giải pháp, liên quan đến não bộ, tâm lý, văn hóa, kỹ năng và tử huyệt. Vì thế, nữ sáng lập này đã dành thời gian đi đến 20 quốc gia để nghiên cứu về con người, văn hóa, giáo dục và tìm ra cách có thể dạy.
Bằng những hiểu biết của mình về nghệ thuật và cách thể hiện ngôn ngữ hình thể, bà Trúc Thi tin rằng nếu giải quyết được 1 trong 5 yếu tố như đã nêu, các học viên có thể nói tiếng Anh một cách dễ dàng. Nữ sáng lập tự tin khẳng định với cá mập rằng các học viên của học viện có thể thuyết trình và hát tiếng Anh chỉ trong một buổi học. Điều này khiến các cá mập phải sửng sốt và đặt ra nhiều hoài nghi.
Tuy nhiên, sau nhiều câu hỏi của cá mập, bà Trúc Thi cho biết với một người chưa biết gì về tiếng Anh, học viện Nghệ thuật tiếng Anh Diệu kỳ cần 3 tháng để giúp họ đạt khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát.
Trả lời câu hỏi của Shark Linh về cách học viên áp dụng những lý thuyết đã đúc kết được vào phương pháp dạy học, Trúc Thi bất ngờ tiết lộ bà đã mất 5 tiếng đồng hồ để giải thích cho một luật sư hiểu hết được vấn đề này vì tất cả điều đó liên quan đến não bộ, văn hóa, tâm lý.
Theo nữ sáng lập, con người có 8 loại hình thông minh. Trước khi chia sẻ với các Shark, bà Trúc Thi cần tìm hiểu loại hình thông minh vượt trội của các Shark là gì, giống như bắt mạch rồi mới cho thuốc.
Tuy nhiên, nữ sáng lập đã thất bại khi "bắt mạch" trực tiếp trên sóng với Shark Liên. Cụ thể, cá mập bà ngoại cho biết bà không có hứng thú với nghệ thuật như âm nhạc, diễn xuất, và điều Shark Liên cần là áp dụng tiếng Anh vào việc kiếm tiền. Song, bà Trúc Thi lại cho biết sẽ dạy tiếng Anh cho Shark Liên thông qua âm nhạc.
Bà Trúc Thi lý giải, giai điệu của một bài hát cộng với ngôn ngữ hình thể sẽ làm cho học viên cảm thấy thú vị, bị cuốn vào. Bà tin rằng có những bài hát chúng ta không hề thích nhưng nghe nhiều rồi sẽ hát theo, không kiểm soát được. Nữ sáng lập cũng cho biết bà từng viết 100 giai điệu để phục vụ cho việc học tiếng Anh.
“Tại sao em nói là 5 yếu tố. Tại vì mình phải biết yếu tố của người không thích học hoặc là không đạt hiệu quả. Nó nằm ở yếu tố nào thì mình giải quyết yếu tố đó”, bà Trúc Thi giải thích. Điều này khiến Shark Liên không hài lòng vì bà cho rằng nữ sáng lập đang làm hao phí thời gian của mình mà không đáp ứng được nhu cầu thực sự của người học.
Nói về sự khác biệt của học viện để mời các Shark đầu tư, Trúc Thi cho biết học viện có thể cho ra kết quả ngay sau 1 buổi học. Theo đó, tất cả chương trình học đều có giấy cam kết sau 1-3 buổi, nếu học viên không nói được tiếng Anh, không hát được, không có khả năng diễn thuyết thì sẽ được trả lại tiền, không cần giải thích. Trúc Thi khẳng định hiện tại ở Việt Nam chỉ có duy nhất học viện của bà dám có một giấy cam kết như trên.
Tuy nhiên, theo Shark Louis, cam kết trả lại tiền đi kèm với việc phương pháp chưa thành công và điều đó không tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm của startup. Vì thế, ông chỉ tin tưởng đầu tư khi học viện có hàng chục nghìn người theo học. Nói về vấn đề này, bà Trúc Thi cho biết dự án đã chạy được 1 năm và có khoảng 50 học viên. Đáng chú ý, nữ sáng lập chia sẻ startup không muốn có quá nhiều học viên.
Tựu trung, các shark đều hoang mang và chưa thể hiểu rõ phương pháp giảng dạy của startup.Sau một hồi trao đổi, Shark Hưng phân tích rằng phương pháp có hiệu quả hay không phục thuộc vào số lượng học viên và doanh thu. “Tại sao bạn mới có 50 học viên trong một năm mà bạn lên đây gọi 5 tỷ đồng cho 25%. Tức là giá trị doanh nghiệp tới 15 tỷ đồng pre-money (giá trị doanh nghiệp trước khi được rót vốn)?”, Shark Hưng đặt câu hỏi.
Bà Trúc Thi cho biết một khóa học online 3 tháng có chi phí 10 triệu đồng. Với 50 học viên, startup đã có doanh thu 500 triệu đồng. Chi phí phải trả cho giảng viên là 200.000 đồng/buổi. Với con số như vậy, startup tính toán khoản lời hàng năm có thể lên tới khoảng 300 triệu, tùy thuộc vào số lượng học viên/khóa. Startup chia sẻ nhân sự hiện tại có 10 người.
Shark Linh bày tỏ lo lắng rằng không biết đội ngũ của Trúc Thi có khả năng mở rộng thị trường hay không. “Lý do mà chị làm việc này là bởi vì chị cảm thấy em không có khả năng vận hành công ty. Mỗi khi một Shark hỏi một câu hỏi là em cứ đi quá xa”, Shark Linh lý giải và tiếp tục đặt câu hỏi tìm hiểu 10 người vận hành trong công ty của Trúc Thi đang làm những vị trí nào. Về 10 nhân sự trong bộ máy của startup, bà Trúc Thi cho biết đó chính là giáo viên và chi phí thuê địa điểm gần như không mất đồng nào vì startup chủ yếu dạy thông qua hình thức online.
Shark Liên là người đầu tiên từ chối startup. Bà chia sẻ: “Chị hỏi em nhưng em chưa tìm ra được giải pháp để thuyết phục chị. Em cứ nói là có rất nhiều kết quả rồi nhưng em chỉ có 50 học sinh. Mà 50 học sinh đấy chị chưa nhìn thấy kết quả”.
Shark Hưng cho biết những gì bà Trúc Thi chia sẻ quá phức tạp dù ông đã cố gắng để hiểu. “Thực sự là để thuyết phục được tôi ở góc độ làm sao để hiểu được phương pháp của bạn, giáo trình của bạn, cách bạn triển khai nó ra sao và kết quả như thế nào thì tất cả những cái này đều rất mông lung vì nó quá phức tạp để có thể hiểu được”, Shark Hưng nói về quyết định từ chối đầu tư.
Tiếp đó, Shark Linh cũng từ chối đầu tư bởi công ty không có đội vận hành thì tiền vào cũng không có ai sử dụng để tuyển người, xây dựng cơ cấu cho công ty. “Tiền mà không ai sử dụng đúng đắn thì nó cũng là bằng 0”, Shark Linh nêu quan điểm.
Về phía Shark Louis, ông đánh giá nếu phương pháp của Trúc Thi độc đáo đến mức độ dạy người ta nói hiểu trong vòng 1 tiếng đồng hồ là quá xuất sắc. Tuy nhiên, màn thuyết trình thất bại đã không thể giúp startup nhận được cái gật đầu từ ông.
Đáng chú ý, Shark Bình là người rất hào hứng với các chủ đề về nghệ thuật mà startup nêu ra, nhưng về mặt kinh doanh, vị cá mạp cảm thấy màn thuyết trình lan man của bà Trúc Thi khiến ông bị tốn thời gian, vì thế ông không đầu tư vào deal này.
Shark Bình đánh giá: “Tôi nghĩ bài trình bày vừa rồi của bạn có thể nói là một thất bại. Bạn đang bán sản phẩm của mình, bán startup của mình, bán doanh nghiệp của mình nhưng bạn không thể làm được cho khách hàng hiểu sản phẩm của bạn bản chất nó như thế nào, đem lại lợi ích gì mà chỉ đem lại cho người ta cảm giác rất tiêu cực, cảm giác phi lý”.