SSI Research vừa có báo cáo cập nhật về ngành phân bón, trong đó đơn vị này nhận định việc nối lại giao thương giữa Nga và các nước Châu Âu sẽ mất nhiều thời gian sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine hạ nhiệt. Do đó, giá ure có thể đạt đỉnh trong tháng 3 và tạo ra cơ hội đầu tư trong ngắn hạn.
Báo cáo cho biết Nga khuyến nghị các doanh nghiệp ngừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp này trong bối cảnh các công ty vận tải biển ngừng tiếp nhận hàng hóa từ Nga. Nước này chiếm xấp xỉ 16% tổng xuất khẩu ure trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, Nga còn đe dọa cắt khí thông qua đường ống Nord Stream 1 làm tăng nỗi lo thiếu khí và đẩy giá ure tăng mạnh. Giá bán ure có khả năng tăng mạnh hơn đà tăng của giá khí đầu vào trong bối cảnh Trung Quốc chưa khôi phục sản xuất ure do thiếu than và giá than cao.
Ngoài ra, Trung Quốc đang gặp khó khăn về nguồn cung than. Sau khi ngừng nhập than từ Úc, Nga trở thành nước cung cấp than lớn thứ hai cho Trung Quốc sau Indonesia. Việc Nga không còn nằm trong hệ thống SWIFT làm gián đoạn nhập khẩu, do đó làm giảm nguồn cung than tại Trung Quốc và đẩy giá ure tăng cao trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của SSI Research cũng lưu ý rằng giá ure có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục.
Chuyên gia phân tích đánh giá giá ure tại Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng giá thế giới, tuy nhiên có thể có độ trễ nhất định. Ví dụ trong 2021, giá ure tại Trung Quốc trung bình tăng khoảng 90% so với cùng kỳ, trong khi giá ure của Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM) tăng 72% và giá ure của Đạm Cà Mau (Mã: DCM) tăng 64%.
Phía SSI Research cũng nâng dự phóng kết quả kinh doanh năm nay của hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón. Trong đó, ước tính lợi nhuận cho DPM lên 3.976 tỷ đồng, tăng 25% so với 2021 (dự báo cũ là 2.798 tỷ đồng) do giả định giá bán ure cao hơn (12.600 đồng/kg từ mức 10.600 đồng/kg).
Còn với DCM, đơn vị này nâng ước tính lợi nhuận năm nay lên 2.684 tỷ đồng (tăng 40% so với 2021 (dự báo cũ là 1.811 tỷ đồng) do giả định giá bán ure cao hơn (13.000 đồng/kg từ mức 11.000 đồng/kg)
Báo cáo cũng chỉ ra rủi ro với ngành phân bón là Chính phủ có thể can thiệp vào công tác điều hành giá phân bón trong bối cảnh giá gạo thấp và tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.
Giá phân bón liên tục tăng cao đã là chất xúc tác giúp cổ phiếu ngành phân bón leo lên đỉnh mới như mã DPM, BFC, DCM với mức tăng từ 65% tới 80% trong vòng hai tháng qua.