Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 16/1-27/1, CTCP Chứng khoán SSI cho biết sau giai đoạn căng thẳng vào cuối năm 2022, lãi suất huy động hiện tại đã ổn định hơn, với mặt bằng vào khoảng 8-9,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng – giảm khoảng 0,5 điểm % so với cuối năm 2022.
Trong trường hợp tích cực, mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đỉnh vào cuối năm 2022, tuy nhiên nhóm phân tích đánh giá xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa thực sự được giải quyết.
"Mức lãi suất này vẫn được đánh giá là tương đối cao so với các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và dân cư. Trái ngược, mặt bằng lãi suất huy động cao đã thu hút lượng lớn dòng tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư," báo cáo viết.
Trên thực tế, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tổ chức và dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ trong đó tiền gửi từ khu vực dân cư đã bật tăng rõ rệt trong tháng 11 (tăng 8,9% so với cùng kỳ, từ mức 6,8% vào tháng 10).
Tiền gửi từ khu vực khách hàng tổ chức chưa có nhiều sự cải thiện khi dòng tiền của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trên thị trường liên ngân hàng, trong tuần qua, thanh khoản có phần nào bớt dồi dào hơn trong bối cảnh nhu cầu thanh toán tăng mạnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và NHNN tiếp tục linh hoạt sử dụng hoạt động thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Cụ thể, 71.300 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày được phát hành trên kênh trên kênh mua kỳ hạn với lãi suất 6%. Trên kênh tín phiếu, NHNN chào thầu với kỳ hạn 7 ngày ở các phiên đầu tuần nhằm cân bằng với lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần.
Kết tuần, NHNN bơm ròng 86.000 tỷ đồng, khối lượng lưu hành tăng trên kênh mua kỳ hạn, lên 92.200 tỷ trong khi đó kênh tín phiếu giảm mạnh xuống chỉ còn 55.000 tỷ (từ mức 110.000 tỷ). Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì quanh vùng 6%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng dao động từ 7,8-8,8%.
Tỷ giá USD/VND đi ngang
Trên thị trường ngoại hối, dòng tiền ngoại tệ khả quan (kiều hối, FDI và cán cân thương mại) giúp tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại và tỷ giá liên ngân hàng đi ngang, giảm khoảng 0,3% so với ngày 13/1 trong khi đó tỷ giá chợ đen hiện cũng chỉ còn giao dịch ở mức VND 23.500, thấp hơn với tỷ giá trên thị trường niêm yết.
Trong khi đó, việc đóng cửa do nghỉ lễ Tết nguyên đán và xu hướng giá vàng thế giới tăng mạnh trong thời gian đó đã khiến cho giá vàng trong nước có phiên điều chỉnh tăng mạnh trong ngày 27/1, với mức tăng gần 1 triệu đồng/lượng cho vàng SJC. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước – thế giới hiện đã thu hẹp về khoảng 12 triệu đồng/lượng từ mức đỉnh gần 20 triệu đồng vào đầu năm 2022.