Sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Cơn sốt đất bây giờ xuất hiện ở các tỉnh như Bình Phước, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị… và nhiều khu vực xung quanh TP. HCM.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, hiện nay tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận TP. HCM hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, mặt bằng giá đất hiện tại lên khá cao, có nơi tăng 2 đến 3 lần so với thời điểm mua vào. Bất ngờ hơn nữa là các khu vực miền núi vùng cao cũng hòa chung với cơn sốt đất tăng giá.
Một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất đang có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ là bởi nguồn tiền đầu tư còn rất lớn, xu hướng các nhà đầu tư, cá nhân đổ xô vào mua đất diễn ra hối hả ở thời điểm bình thường mới, những tác động xấu của đại dịch Covid -19 đang dần lùi xa.
Sốt đất không còn là câu chuyện diễn ra ở các đô thị lớn, vùng lần cận các thành phố như TP. HCM hay Hà Nội mà đã đi xa, len lỏi khắp các vùng quê, miền Núi xa xôi. Nhiều chuyên gia đánh giá, vụ Thủ Thiêm đã tạo ra hiệu ứng tăng giá đất mạnh lan tỏa sang các địa phương khác.
Nhận diện về những cơn sốt đất, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sốt đất là do khi có đầu tư, phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời người có đất.
Bên cạnh đó, những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ.
Hơn nữa, giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, thậm chí cả "lướt sóng" giai đoạn đầu. Chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa đưa ra giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng tiêu cực này.
"Hệ lụy của những cơn sốt đất nhìn rất rõ, đó là làm cho thị trường lộn xộn. Một nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, "mua tranh bán cướp" rồi hưởng một số lãi không nhỏ. Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc "sinh tử". Cơ quan quản lý của địa phương thì chỉ đưa ra các khuyến nghị bị động, không có giải pháp gì chủ động. Từ đó dẫn tới thị trường thì lộn xộn, xã hội thì ồn ào như "chợ vỡ", rồi kết thúc bằng cảnh "kẻ khóc, người cười" và cả những nhân vật "dở khóc, dở cười", ông Võ nói.
Trước những cơn sốt đất luôn rình rập và kéo dài, các cơ quan chức năng đã có những động thái nhằm "dập tắt" cơn sốt đất. Trong đó, những biện pháp cơ bản như công khai quy hoạch, dừng phân lô tách thửa... đã ít nhiều có tác dụng làm dịu những cơn sốt.
Tuy nhiên, thực tế là các biện pháp này mới chỉ mang tính chất nhất thời chứ chưa giải quyết được tận gốc và các cơn sốt ảo có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Do đó, để tránh “sập bẫy”, người mua nên cập nhật thường xuyên tin tức thị trường để nắm bắt tình hình, khảo giá trong khu vực, đối chiếu vị trí, mật độ dân số, tiện ích xung quanh, khoảng cách di chuyển, giá trị khai thác trước khi quyết định xuống tiền.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt, không xuống cọc khi cái đầu đang nóng. Đồng thời, cần lựa chọn những nhà môi giới chuyên nghiệp, có hoạt động hợp pháp để được tư vấn và tiến hành các giao dịch mua bán”.
Cũng tại thời điểm này, nhiều chuyên gia cũng lo ngại nếu không kiểm soát thị trường bất động sản tốt, sẽ xảy ra bong bóng, giá ảo, nguy cơ đổ vỡ thị trường, rất nguy hiểm. Nếu không ngăn chặn kịp thời tình trạng này sẽ dẫn tới lạm phát, khủng hoảng tiền tệ hay tài chính cao hơn là khủng hoảng kinh tế.
Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có những biện pháp quyết liệt và triệt để hơn nữa nhằm ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, đặc biệt, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ.