Sóng âm tần số cao có thể biến tế bào gốc thành tế bào xương - Ảnh: ĐẠI HỌC RMIT
Phương pháp điều trị tế bào gốc sáng tạo này của các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT ở thành phố Melbourne (Úc).
Theo trang Scitech Daily, kỹ thuật mô là một lĩnh vực mới nổi gần đây. Mục đích là để tái tạo lại xương và cơ bằng cách khai thác khả năng tự chữa lành của cơ thể con người.
Một thách thức quan trọng trong việc mọc lại xương là cần một lượng lớn tế bào xương phát triển mạnh mẽ. Các tế bào này sẽ được cấy vào vị trí chấn thương hoặc bệnh tật, hoặc phủ lên mô cấy ghép để sẵn sàng phát triển xương mới.
Từ trước đến nay, các quy trình thử nghiệm để thay đổi tế bào gốc trưởng thành thành tế bào xương sử dụng thiết bị phức tạp và đắt tiền. Mặt khác, các quy trình này phải "vật lộn" với việc sản xuất hàng loạt, khiến việc ứng dụng lâm sàng rộng rãi trở nên không thực tế.
Ngoài ra một số thử nghiệm lâm sàng cố gắng làm mọc lại xương, phần lớn sử dụng các tế bào gốc chiết xuất từ tủy xương của bệnh nhân - một thủ tục rất đau đớn.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Small, nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT đã xử lý tế bào gốc bằng sóng âm tần số cao, chúng sẽ biến thành tế bào xương chỉ trong 5 ngày.
Điều quan trọng, phương pháp điều trị này có hiệu quả trên nhiều loại tế bào, bao gồm cả tế bào gốc lấy từ chất béo, ít gây đau đớn hơn khi chiết xuất từ tủy bệnh nhân.
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Amy Gelmi tại Đại học RMIT, cho biết việc thực hiện phương pháp mới này nhanh hơn và đơn giản hơn các phương pháp khác.
"Sóng âm cắt giảm thời gian điều trị cần thiết để các tế bào gốc bắt đầu chuyển thành tế bào xương trong 5 ngày", bà Gelmi cho biết.
Phương pháp này cũng không yêu cầu bất kỳ loại thuốc 'tạo xương' đặc biệt nào và rất dễ áp dụng cho các tế bào gốc.
Sóng âm tần số cao sử dụng trong điều trị tế bào gốc được tạo ra trên một thiết bị vi mạch giá rẻ do RMIT phát triển.
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Leslie Yeo và cộng sự của ông đã dành hơn một thập kỷ để nghiên cứu sự tương tác của sóng âm ở tần số trên 10 MHz với các vật liệu khác nhau.
Phương pháp này đã được dùng để tạo ra thịt trong ống nghiệm, gan sinh học, tuyến tụy nhân tạo để cấy ghép cho người bệnh tiểu đường, sụn và mạch máu nhân tạo, da và tủy xương nhân tạo, các mô niêm mạc và thậm chí cả dương vật nhân tạo.