Tài chính

Sốc: Trước khi sụp đổ, SVB không có giám đốc quản lý rủi ro trong gần 1 năm dù là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ

Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ), ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã chính thức dừng hoạt động. Đây là sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ kể từ năm 2008.

SVB đã bị giới chức California đóng cửa và giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.

SVB là ngân hàng từng phục vụ nhiều startup và công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon trong 40 năm qua. Rắc rối bắt đầu từ ngày 8/3, sau khi SVB bất ngờ công bố kế hoạch huy động hàng tỷ USD để bù đắp khoản lỗ lớn trị giá 1,8 tỷ USD từ bán chứng khoán. Điều này gây hoang mang trên diện rộng cho các nhà đầu tư và những người sáng lập các startup công nghệ mà họ hậu thuẫn.

Cổ phiếu của SVB đã nhanh chóng lao dốc, giảm tới 60% trong phiên giao dịch ngày 9/3. Sang đến phiên trước giờ giao dịch ngày 10/3, cổ phiếu này tiếp tục giảm mạnh và bị tạm dừng giao dịch.

Sốc: Trước khi sụp đổ, SVB không có giám đốc quản lý rủi ro trong gần 1 năm dù là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ - Ảnh 1.

Sự sụp đổ diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ của SVB đã gây chấn động trên toàn cầu. Mới đây, tờ Fortune tiết lộ trong tuyên bố ủy quyền được nộp vào đầu tháng này của SVB, giám đốc quản lý rủi ro (CRO) của ngân hàng này đã thôi giữ vai trò trên từ năm ngoái.

Cụ thể, bà Laura Izurieta thôi giữ vai trò CRO của SVB Financial (công ty mẹ của SVB) vào tháng 4/2022 và chính thức rời công ty vào tháng 10/2022. Sau đó, tháng 1 năm nay, SVB mới chỉ định CRO mới là bà Kim Olson. Điều đó đồng nghĩa với việc SVB – ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, không có giám đốc quản lý rủi ro tận 8 tháng!

Điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng SVB đã quản lý rủi ro như thế nào trong giai đoạn gần một năm không có CRO. Thời điểm hiện tại, phía SVB không trả lời yêu cầu bình luận của Fortune về vấn đề này.

Nhân viên rủi ro là người thường dự đoán và quản lý các rủi ro về quy định, hoạt động, cạnh tranh hay các rủi ro khác mà công ty phải đối mặt. CRO của SVB báo cáo trực tiếp với “Ủy ban rủi ro”, bao gồm chủ tịch Hội đồng quản trị của SVB và một số thành viên khác bên cạnh CEO, theo hồ sơ của công ty. Ủy ban trên chịu trách nhiệm tuyển dụng, đánh giá và chấm dứt hợp đồng với CRO. Tính đến năm 2023, ủy ban này của SVB có tất cả bảy thành viên.

Trong đại dịch, những khách hàng là startup và công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đã ăn nên làm ra, dẫn đến lượng tiền gửi tăng đột biến tại SVB. Hết quý I/2020, SVB có tổng số tiền gửi hơn 60 tỷ USD và con số đó đã tăng lên tới gần 200 tỷ USD vào cuối quý I/2022.

Tuy nhiên sau đó, các vị khách của SVB đã rơi vào cảnh cạn tiền mặt vì đốt tiền, kinh doanh khó khăn cũng như khó huy động vốn mới. Ngoài ra, lãi suất huy động tăng mạnh theo các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến chi phí huy động tiền gửi cao hơn nhiều. Do đó, lượng tiền gửi tại SVB đã giảm từ gần 200 tỷ USD xuống còn 173 tỷ USD vào cuố năm 2022.

Là một phần quan trọng của giới công nghệ, SVB đã bị rung chuyển bởi làn sóng sa thải hàng loạt trong năm qua. SVB có mối quan hệ với khoảng 50% các công ty được hậu thuẫn bởi vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ, khiến tác động của sự sụp đổ của đơn vị này có khả năng lan rộng.

Nguồn: Fortune



Cùng chuyên mục

Đọc thêm