Tài chính

Sở hữu ‘đội quân điện’ cực tiên tiến lại rẻ, Trung Quốc khiến hàng loạt ông lớn toàn cầu lo lắng: Cứ phát triển thần tốc như vậy, đến thị trường Mỹ cũng sẽ gặp ‘nguy cơ’

Sự “trỗi dậy” của xe điện Trung Quốc

Một chiếc xe điện nhỏ đang có tác động lớn đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Không phải bản thân chiếc xe điện đang tạo nên làn sóng đó mà vấn đề nằm ở “giá cả” cũng như khả năng “phá vỡ” ngành công nghiệp ô tô nội địa trên toàn thế giới.

Tại triển lãm ô tô Thượng Hải 2023, BYD đã trình làng công chúng một trong những mẫu xe có tên gọi là Seagull. Nó có giá khởi điểm chỉ 69.800 nhân dân tệ, tương đương hơn 239 triệu đồng và được cho là có mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Ngoài ra, việc mở rộng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sang châu Âu, châu Mỹ Latinh và các nơi khác đã khiến nhiều giám đốc điều hành của các công ty ô tô cùng một số chính trị gia từ Detroit và Texas đến Đức và Nhật Bản có lẽ đang lo lắng.

Mặc dù Seagull chưa được bán trên đất Mỹ, nhưng BYD đang mở rộng phương tiện của mình trên toàn cầu và một số người tin rằng việc xe do Trung Quốc sản xuất “phủ sóng” khắp xứ cờ hoa chỉ là vấn đề thời gian.

Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu lo ngại rằng các đối thủ đến từ Trung Quốc như BYD do Warren Buffett hậu thuẫn có thể tràn ngập thị trường của họ, làm giảm sản xuất trong nước cũng như giá xe - từ đó gây bất lợi cho ngành công nghiệp ô tô.

Liên minh Sản xuất của Mỹ (AAM) cũng cho rằng việc đưa ô tô giá rẻ của Trung Quốc – được hỗ trợ bởi chính phủ – vào thị trường Mỹ có thể trở thành "vật cản mạnh mẽ" đối với ngành ô tô của nước này.

BYD đã bán được 1,57 triệu xe điện vào năm ngoái, tăng từ 130.970 xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2020. Mức tăng trưởng doanh số đó đủ để vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới vào cuối năm 2023.

Sự phát triển thần tốc của BYD và các hãng xe Trung Quốc khác khiến CEO Tesla Elon Musk hồi tháng 1 phải cảnh báo rằng có thể “các hãng xe Trung Quốc sẽ hạ gục các đối thủ toàn cầu nếu không có rào cản thương mại”.

Nhỏ nhưng có võ

Phạm vi hoạt động được báo cáo của BYD Seagull đạt khoảng 190 dặm trong một lần sạc, xấp xỉ 305km/một lần sạc (hoặc 250 dặm đối với một số mẫu xe nhất định) - không có gì quá đột phá so với các dòng xe điện khác. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở cấu trúc, pin và nguồn cung cấp linh kiện của dòng xe này, theo công ty Caresoft.

Chiếc BYD Seagull được trưng bày trong Triển lãm Công nghiệp Ô tô quốc tế Thượng Hải lần thứ 20

Nghiên cứu ban đầu của Caresoft về BYD Seagull cho thấy nó được thiết kế, chế tạo, thi công hiệu quả và đơn giản nhưng có chất lượng vượt trội và độ đảm bảo đúng như mong đợi.

Với mức giá rẻ như vậy thì đây là một chiếc xe được trang bị tốt. (BYD thậm chí còn hạ giá khởi điểm của chiếc xe xuống 5% vào đầu tháng này, giảm so với mức giá khoảng 11.000 USD vào đầu năm nay.)

Giám đốc điều hành Caresoft Mathew Vachaparampil cho biết bất chấp giá rẻ, BYD vẫn kiếm được lợi nhuận từ Seagull hoặc ở mức hòa vốn tối thiểu.

Để BYD bán Seagull ở Mỹ, hãng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của nước này. Điều này có thể làm tăng thêm chi phí cho chiếc xe. Nhưng chiếc xe này vẫn có thể ra nhập thị trường xứ cờ hoa với giá rẻ hơn hàng chục nghìn USD so với giá trung bình hiện tại của một chiếc xe điện Mỹ, theo báo cáo của Cox Automotive là rẻ hơn 52.000 USD.

BYD tháng trước thông báo sẽ bắt đầu bán Seagull/Dolphin Mini EV ở Mexico với giá khoảng 520 triệu đồng.

BYD đã đạt được thành công trong công nghệ pin và làm chủ hoàn toàn chuỗi cung ứng pin điện của mình. Đáng chú ý nhất là việc BYD có thể phát triển các công nghệ pin với chi phí thấp hơn, sản xuất rẻ hơn nhiều so với pin lithium-ion thường được sử dụng trong xe điện ở Mỹ.

Lo lắng mất thị phần

Trong khi các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc mở rộng, các nhà sản xuất ô tô truyền thống của Mỹ lại bị thu hẹp ở cả thị trường nội địa và Trung Quốc.

Sự suy giảm của họ ở Mỹ đi kèm với sự xuất hiện của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota Motor, Nissan Motor và Honda Motor, cũng như gần đây hơn là gã khổng lồ ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor và Kia.

Theo dữ liệu của ngành, 3 nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ – GM, Ford và Chrysler, hiện thuộc sở hữu của Stellantis, đã chứng kiến thị phần tại Mỹ của họ giảm từ 75% năm 1984 xuống còn khoảng 40% vào năm 2023.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida đã đề xuất tăng mạnh thuế nhập khẩu ô tô từ Trung Quốc lên 20.000 USD/xe để hạn chế chúng “phủ ngập thị trường ô tô Mỹ”.

Ngoài ra, để cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Terry Woychowski, chủ tịch công ty Caresoft Global cho rằng các nhà sản xuất ô tô truyền thống cần phải học hỏi, rút kinh nghiệm và thay đổi nhanh chóng.

Terry Woychowski, chủ tịch công ty Caresoft Global

Ông cho biết các công ty như nhà sản xuất ô tô Detroit đều có quy trình, tiêu chuẩn và quy trình làm việc kéo dài hàng thế kỷ, họ nên suy nghĩ lại để cạnh tranh tốt hơn với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trước khi những phương tiện như BYD Seagull đổ bộ vào Mỹ.

Ông nói: “Cần phải học, học cách từ bỏ và phải làm điều đó một cách nhanh chóng. Nếu bạn đã làm việc gì đó suốt 100 năm, không có nghĩa là bạn nên tiếp tục. Nó không còn thích hợp nữa”.

Tham khảo CNBC



Cùng chuyên mục

Đọc thêm