Tài chính

Số dư trong tài khoản thanh toán của người dân đạt kỷ lục mới

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây, cuối quý 3/2024, số lượng tài khoản thanh toán khách hàng cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã đạt 197,97 triệu tài khoản, tăng hơn 15.000 tài khoản so với cuối năm 2023.

Số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân cuối quý 3/2024 đạt hơn 1,19 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 98 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 9% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tiền gửi có kỳ hạn. Mức 1,19 triệu tỷ đồng cũng là mức kỷ lục tiền gửi thanh toán của cá nhân ở hệ thống ngân hàng từ trước đến nay.

Trong khi đó, tổng tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,9 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024. Như vậy, tiền gửi thanh toán hiện chiếm khoảng 17% trong tổng số dư tiền gửi khách hàng cá nhân.

Số dư trong tài khoản thanh toán của người dân đạt kỷ lục mới- Ảnh 1.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của ngân hàng số, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp tiền gửi thanh toán cá nhân tăng trưởng "chóng mặt". Trong vòng 5 năm qua, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân đã tăng 2,7 lần, trong khi số tài khoản thanh toán cũng tăng 2,3 lần.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện gần 90% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Nhiều nhà băng ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số chiếm trên hơn 95%.

Theo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), sự phổ cập của các phương thức thanh toán điện tử đang thay thế cho tiền mặt trong đời sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 30,8% số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023.

Trong đó, dịch vụ chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 34,7% về số lượng và 16,4% về giá trị, chiếm tỷ trọng 93,5% tổng dịch vụ của NAPAS.

Ngoài ra, phương thức thanh toán bằng mã VietQR cũng tiếp tục cho thấy sự phát triển vượt trội thông qua việc ghi nhận tăng 2,2 lần về số lượng giao dịch và 2,6 lần về giá trị giao dịch so với năm 2023.

Dịch vụ rút tiền trên ATM qua hệ thống NAPAS trong năm 2024 tiếp tục có xu hướnggiảm mạnh lên tới 19,5% so với cùng kỳ năm trước và chỉ chiếm 2,4% tổng số giao dịch của toàn hệ thống.

Nguồn tiền gửi thanh toán tăng trưởng mạnh mẽ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các nhà băng bởi đây là nguồn vốn có lãi suất rất thấp. Tỷ lệ CASA (tiền gửi thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn)/tổng tiền gửi khách hàng) càng cao thì ngân hàng càng có lợi thế tối ưu chi phí vốn, cải thiện biên lãi ròng (NIM) và gia tăng lợi nhuận. Nhưng ngược lại nếu tỷ lệ CASA sụt giảm cũng sẽ gây áp lực lên NIM của ngân hàng.

Bên cạnh nguồn tiền gửi thanh toán của người dân thì còn có tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp. Theo nhiều chuyên gia, nguồn tiền gửi này của khách hàng cá nhân có xu hướng ổn định hơn, trong khi tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp thường có biến động mạnh do yếu tố mùa vụ.

Theo thống kê có được, cuối tháng 9/2024 có 6 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA trên 20% gồm có Techcombank, MB, Vietcombank, MSB, VietinBank, ACB. Trong đó, Techcombank đứng đầu với mức 36,9% (nếu tính thêm số dư sinh lời tự động thì là 40,5%).

Vietcombank là ngân hàng có số dư CASA cao nhất hiện nay, đạt hơn 466 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2024.

VietinBank là ngân hàng có tăng trưởng số dư CASA nhiều nhất trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng thêm 33.000 tỷ đồng lên 351 nghìn tỷ. Tỷ lệ CASA của VietinBank đạt 23,1%, cao thứ 5 trong hệ thống.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm