Do đặc thù công việc tổ chức sự kiện, Thanh thường xuyên đi công tác tại các tỉnh. Trong một lần ở tại một khách sạn khu vực miền Trung, đồng nghiệp đi cùng vô tình thấy camera nhỏ bằng cúc áo giấu cạnh đèn báo trong ổ cắm điện. Sau khi kiểm tra, nhóm phát hiện hai phòng có camera tương tự, đều được đặt hướng về phía giường ngủ.
Đại diện khách sạn nói camera "có thể do người đóng vai khách lưu trú rồi lợi dụng lắp đặt". Thanh cho biết giờ mỗi lần nhận phòng, cô đều phải dành thêm thời gian để xem xét quanh phòng.
Vấn đề quay lén không mới nhưng được quan tâm hơn khi kỳ nghỉ lễ 30/4 đến gần. Trên một số hội nhóm về công nghệ và du lịch, nhiều thành viên hỏi nhau về kinh nghiệm nhận biết camera ẩn. Nỗi lo của người dùng không phải không có cơ sở do việc mua bán và sử dụng thiết bị quay và theo dõi định vị hiện nay diễn ra khó kiểm soát.
Trong khảo sát ngày 29/3 của VnExpress, 58% trong số hơn nghìn người tham gia cho biết từng bắt gặp hoặc nghi ngờ bị đặt camera quay lén.
Ma trận thiết bị quay lén
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật công ty Công nghệ an ninh mạng NCS, những thiết bị này có nhiều kiểu dáng, chức năng nhưng đa số có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chúng có chất lượng không quá cao, kích thước rất nhỏ, khó bị phát hiện nếu chỉ nhìn qua bằng mắt thường. Camera thường được ngụy trang hoặc tích hợp vào vật dụng thông thường trong phòng như cảm biến báo khói, ổ cắm điện, công tắc, bộ sạc, đồng hồ để bàn.
Nhiều camera có chế độ xem từ xa, kẻ gian có thể xem trực tiếp hình ảnh trong phòng mà không cần tiếp cận thiết bị. Một số chỉ có khe cắm thẻ nhớ, lưu dữ liệu được khoảng một tuần. Số khác được bán ra dưới dạng mô-đun và bất kỳ ai với ý đồ xấu cũng có thể mua, tự gắn vào thiết bị điện gia dụng.
Ngoài ra, trên thị trường bắt đầu xuất hiện thiết bị giả mạo sản phẩm từ nhà sản xuất nổi tiếng. Ông Ngọc Vũ, chủ cửa hàng camera an ninh trên phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), lấy ví dụ có thiết bị được làm giống bộ phát Wi-Fi Tenda AC6 nhưng tích hợp thêm camera độ nét cao, phần mềm xem từ xa và được rao giá gần 3 triệu đồng.
"Chiêu giả mạo thiết bị nổi tiếng gần đây mới xuất hiện, khiến nhiều người dù đã cảnh giác cũng khó có thể phát hiện được", ông Vũ nói.
Cách nhận biết thiết bị quay lén
Theo ông Vũ, mục tiêu của kẻ xấu thường là địa điểm công cộng, nhà vệ sinh, phòng thử đồ, nhà nghỉ, khách sạn nhỏ. "Mọi người có thể quan sát bằng mắt thường với các đồ vật, vị trí dễ bị đặt camera như thiết bị báo cháy, ổ cắm, bóng đèn, quạt, chậu cây. Đặc biệt chú ý vật thể có điểm đen nhỏ bất thường tại vị trí nhìn thẳng khu vực nhạy cảm", ông cho hay.
Trong khi đó, ông Sơn cho biết cũng có thể sử dụng smartphone để phát hiện. Người dùng tắt hết đèn trong phòng, mở ứng dụng chụp ảnh và quét chậm qua các vị trí trong phòng. Nếu trong khung hình có điểm sáng nhỏ, đặc biệt có màu tím hoặc đỏ, nhiều khả năng là ánh sáng hồng ngoại từ camera. Trong một số trường hợp, camera có thể khiến điện thoại phát tiếng rè do ảnh hưởng của thiết bị phát sóng điện từ. Ngoài ra, một số ứng dụng miễn phí trên smartphone cũng hỗ trợ tìm camera ẩn như Hidden Camera Detector với iPhone hoặc điện thoại Android.
Trên thị trường cũng có thiết bị chuyên phát hiện camera quay lén, sử dụng đèn laser và cơ chế phát hiện ánh sáng hồng ngoại, sóng vô tuyến. Đa số có thể phát hiện cả camera lẫn thiết bị ghi âm, theo dõi định vị, với giá bán khoảng 500.000 đồng.
Ở Việt Nam, hành vi sử dụng thiết bị theo dõi người khác là trái pháp luật. Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP HCM, cho biết nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và doanh nghiệp, chống hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thiết bị quay lén, nghe lén, định vị với mục đích xấu. Ví dụ, hồi tháng 3/2020, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã bắt giữ Trịnh Công Linh và đồng bọn để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản khi đòi các nạn nhân chuyển 30 triệu đồng nếu không sẽ phát tán video "nóng". Trước đó, nhóm này lên mạng đặt mua camera giấu kín rồi đến một số nhà nghỉ, khách sạn, chọn phòng có quạt, tivi chiếu thẳng giường để lắp và quay cảnh ân ái trong phòng.