POM và QBS bị hủy niêm yết bắt buộc
Ngày 3/4, HoSE ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina. Nguyên nhân do công ty này chậm nộp chậm nộp báo cáo kiểm toán kiểm toán năm 2023.
Theo HoSE, đây đã là lần chậm nộp thứ 3 của Pomina và do đó rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo điểm i khoản 1 điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Sở cho biết sẽ thông báo về việc thực hiện hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina theo quy định nêu trên.
Cuối tháng 3 vừa qua, Thép Pomina đã có văn bản xin gia hạn nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 tới ngày 15/05/2024. Động thái này diễn ra bất chấp việc HoSE đã có văn bản lưu ý khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu POM hồi tháng 2/2024. HoSE nêu rõ, cổ phiếu POM đang nằm trong diện kiểm soát vì chậm nộp BCTC năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.
Nếu chậm thêm 1 lần nữa, cổ phiếu POM sẽ rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết theo điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, trong đó quy định: “Cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp sau đây: i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”.
Tương tự, cổ phiếu QBS của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình cũng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE. Nguyên nhân do tổ chức kiểm toán năm 2023 của QBS là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY, chi nhánh Hà Nội đã từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của Công ty.
Căn cứ theo quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết xảy ra một trong các trường hợp: tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp.
SMC vào diện kiểm soát
Cũng từ ngày 10/4, cổ phiếu SMC của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC bị đưa vào diện kiểm soát. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Cùng với đó, HoSE có thêm quyết định đưa cổ phiếu SMC vào diện kiểm soát kể từ ngày 10/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất trong hai năm gần nhất (2022, 2023 của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định).
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.701 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 925,2 tỷ đồng.
CRE, TDC vào diện cảnh báo
Theo thông báo của HoSE, cổ phiếu CRE của Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cen land) sẽ bị đưa vào diện cảnh báo từ 10/4/2024. Lý do là tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023 của tổ chức niêm yết, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán nêu rõ tại Báo cáo tài chính hợp nhất, Công ty trình bày việc chủ đầu tư của dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ chưa nộp đầy đủ tiền sử dụng đất tính cho giai đoạn 3 của dự án vì vậy tiến độ thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với dự án này có thể chậm hơn dự kiến. Kiểm toán cho biết, không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để có thể đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty.
Một vấn đề nữa, kiểm toán nêu, trong báo cáo tài chính hợp nhất, Công ty trình bày vấn đề Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành chưa nộp đủ tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền chậm nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước. Kiểm toán cho biết, không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá ảnh hưởng của vấn đề này đến khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu của Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành và các khoản công nợ có liên quan. Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu có liên quan trên Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty hay không.
Giải trình về vấn đề kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ, Cen land cho rằng, đối với giai đoạn 3 của dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, hiện chủ đầu tư đã nộp được 758,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất, số còn nợ là 668,1 tỷ đồng. Do số tiền sử dụng đất quá lớn cộng thêm bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc bán hàng bị ảnh hưởng nên nguồn thu theo dự kiến để nộp tiền sử dụng đất chưa được như thế hoạch. Theo thông cáo báo chí ngày 27/3/2024 của chủ đầu tư, hiện chủ đầu tư đang tích cực xử lý, huy động các nguồn khác để đảm bảo dòng tiền nộp tiền sử dụng đất phần còn lại của giai đoạn 3. Chủ đầu tư sẽ nỗ lực chủ động các nguồn lực để đến ngày 31/5/2024 hoàn thành việc nộp số tiền sử dụng đất giai đoạn 3 của dự án.
Đối với việc nợ thuế của CTCP Hồng Lam Xuân Thành gây ảnh hưởng đến ý kiến của kiểm toán về việc xác định khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu của Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành và các khoản công nợ có liên quan, Cen land cho biết, đã làm việc với chủ đầu tư để đề xuất nộp thuế, phía chủ đầu tư có thông tin khoản thuế chậm nộp chủ yếu là thuế giá trị gia tăng, tổng các khoản nợ thuế và chậm nộp ước khoảng 70 tỷ đồng, tuy nhiên tiền thuế giá trị gia tăng chủ đầu tư đang còn được khấu trừ tới hiện tại khoảng hơn 40 tỷ đồng. Đây chỉ là khó khăn tài chính tạm thời của Công ty cổ phần Hồng Lam Xuân Thành trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, và chủ đầu tư cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức để nộp dần khoản nợ thuế nêu trên.
Trong khi đó, cổ phiếu TDC của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 10/4/2024. Lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023 trên Báo cáo hợp nhất năm 2023 là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của TDC ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 402,8 tỷ đồng (trong khi trước kiểm toán lỗ 365,67 tỷ đồng). Với việc lỗ kỷ lục trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, TDC lỗ luỹ kế 367,17 tỷ đồng (đầu năm lãi lũy kế 38,9 tỷ đồng), bằng 36,7% vốn điều lệ.