Thông tin này được Vietnam Airlines cho biết trong báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố để chuẩn bị cho cuộc đại hội đồng cổ đông sắp tới. TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) hiện có vốn điều lệ 800 tỷ đồng do Vietnam Airlines nắm 100%.
Skypec đang là một trong nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường nội địa cùng Petrolimex Aviation. Công ty con của Vietnam Airlines có hệ thống kho chứa hơn 210.000 m3, hoạt động tại 18 cảng hàng không trong nước và 4 sân bay quốc tế lớn tại Hàn Quốc.
Vietnam Airlines cho biết trong năm ngoái Skypec bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khó khăn trong đó có biến động giá nhiên liệu, nhiều thời điểm nguồn cung căng thẳng gây khó cân đối nguồn hàng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Skypec vẫn tăng trưởng mạnh so với năm trước đó.
Cả năm ngoái, "gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines đạt sản lượng hơn 1,25 triệu tấn nhiên liệu, gần gấp đôi năm 2021. Nhờ đó, doanh thu của công ty tăng gấp hơn ba lần lên 32.940 tỷ đồng, tương đương với mức bình quân hơn 90 tỷ đồng mỗi ngày. Mức doanh thu này cũng vượt đỉnh hai năm trước dịch 2018, 2019.
Skypec ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 281 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Hồi cuối tháng 6, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý phương án chuyển nhượng Skypec từ Vietnam Airlines về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trước đó, Vietnam Airlines thông tin muốn bán vốn tại công ty nhiên liệu hàng không này như một trong các nỗ lực tự thân để khắc phục các khó khăn tài chính.
Tuy nhiên đến nay, trong quá trình thực hiện, trình tự thủ tục chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại một số đơn vị thành viên vẫn còn những vướng mắc. Hiện nay, Vietnam Airlines cũng chưa đưa kết quả hoạt động thoái vốn tại Skypec và một công ty khác vào kế hoạch thu chi kinh doanh 2023. Nếu thực hiện được theo phương án thoái vốn đã đề xuất, hãng có thể bổ sung vào lợi nhuận, cũng như dòng tiền hơn chục nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 công bố hôm 8/12, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 71.700 tỷ, cao hơn 20% so với kế hoạch và gấp 2,5 lần năm trước đó. Tuy nhiên, các chi phí đầu vào tăng cao, nhất là xăng dầu và thị trường quốc tế hồi phục chậm vẫn khiến tổng công ty lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng (giảm lỗ hơn 2.056 tỷ đồng so với năm 2021).
Hãng cho biết hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.