Phát biểu tại Họp báo chính phủ thường kỳ tháng 5 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lại khẳng định một lần nữa rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không siết tín dụng bất động sản mà chỉ kiểm soát rủi ro vào các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu.
Theo ông, NHNN kiểm soát chặt chẽ những dự án bất động sản mang tính chất kinh doanh đầu tư,... nhưng đồng thời vẫn khuyến khích tập trung nguồn vốn tín dụng vào các nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo Ngân hàng OCB cho biết tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ bất động sản của ngân hàng là 32%, trong đó 72% cho vay mua nhà, 9% cho vay liên quan đến các dự án bất động sản. Trong năm nay, ngân hàng sẽ giảm tỷ trọng tín dụng bất động sản kinh doanh về mức 8% đồng thời sẽ tập trung vào hoạt động bán lẻ và phân khúc ưu tiên của OCB.
"Ngân hàng Nhà nước chỉ có định hướng kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhưng khuyến khích tín dụng cho cá nhân vay mua nhà, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình. Việc một số ngân hàng tạm dừng giải ngân lĩnh vực bất động sản là chính sách riêng biệt của từng tổ chức", vị lãnh đạo này cho biết.
Trước đó, Sacombank cũng đã có chỉ đạo về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, trong đó không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản mà sẽ tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất cho tới hết tháng 6.
Còn Techcombank cho biết sẽ tạm ngừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đến hết quý I/2022 và tiếp tục thực hiện từ đầu quý II/2022.
Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/6, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tín dụng bất động sản có tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng ở mức bình thường.
Đến giữa tháng 4/2022, tín dụng bất động sản tăng 10,19% so với cuối năm và đạt dư nợ 2.228 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ của tín dụng bất động sản chiếm 19,16% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó tổng dư nợ của tín dụng bất động sản bị kiếm soát chặt chiếm 1/3.
Trên thực tế, không phải tất cả các lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ. Các ngân hàng vẫn đang liên tiếp đẩy ra các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi.
Đầu năm, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai chương trình cho vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 4,99%/năm (áp dụng cố định trong 3 tháng đầu đối với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng), áp dụng cho đến hết năm 2022.
Hay sản phẩm "Dream Home" của OCB với thời gian vay lên tới 30 năm và lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm, cho vay bù đắp đến 24 tháng, ân hạn gốc lên đến 12 tháng,...
Các sản phẩm nêu trên cho thấy rằng cho vay mua nhà vẫn là một trong những sản phẩm chiến lược của các ngân hàng.
"Cho vay bất động sản của VPBank chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ, cho vay cá nhân mua nhà chiếm 40% tổng dư nợ tín dụng bán lẻ của ngân hàng", lãnh đạo ngân hàng cho biết và khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhu cầu ở thực và kiểm soát tín dụng bất động sản nghỉ dưỡng và đầu cơ.
Tuy nhiên, trong khi nhu cầu tín dụng tăng cao trong những tháng đầu năm thì nhiều ngân hàng lại đãcạn ‘room’ tín dụng, điều này đang khiến cho việc cho vay vốn bất động sản ngày càng chặt chẽ hơn vàtạo áp lực lên lãi suất.
"NHNN ước tăng trưởng tín dụng tới ngày 27/5/2022 đạt 7,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua, đồng thời gấp đôi mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, việc các NHTM đều đã hết room tín dụng trong khi NHNN vẫn chưa thực hiện nới room đã khiến cho tín dụng không đẩy thêm được ra ngoài trong những ngày cuối tháng 5", báo cáo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt mới đây cho hay.
Về mặt bằng lãi suất, chuyên gia của VNDirect cho rằng lãi suất huy động khó duy trì mức thấp lịch sử và có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022, từ đó khiến cho lãi suất cho vay khó giảm.
Nguyên nhân của việc này là do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong 2022, và việc cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác để thu hút dòng vốn.