Những năm gần đây, SeABank có sự bứt phá ngoạn mục, từ quy mô vốn điều lệ, số lượng khách hàng, tổng tài sản cho đến kết quả kinh doanh. Nếu năm 2011, vốn điều lệ của ngân hàng chỉ ở mức trên 5.335 tỷ đồng thì sau 10 năm con số này đã tăng gấp 2,8 lần đạt 14.785 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng từ mức 101.093 tỷ đồng lên 211.663 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận có mức tăng nhảy vọt, từ con số hơn 100 tỷ đồng năm 2011, SeABank đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng vào năm 2019 và đạt 3.268 tỷ đồng năm 2021.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng tốt từ mảng phí dịch vụ là một trong những động lực chính giúp cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng tăng trưởng ấn tượng với mức lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 1.146 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2020. Tổng thu thuần ngoài lãi NOII cũng tăng 22% so với năm 2020, chiếm 26,3% trên tổng số doanh thu. Ngoài ra, số lượng người dùng eBank mở mới của SeABank cũng tăng 201%, số lượng giao dịch tăng 170% và giá trị giao dịch trực tuyến tăng gần 239%, qua đó đã giúp doanh thu phí năm 2021 tăng 130% so với năm 2020. Tổng số khách hàng giao dịch tại SeABank là gần 2 triệu khách hàng, gấp 3 lần so với năm 2016.
Đây là thành quả của chiến lược bán lẻ mang tính dài hạn đã được tính toán kỹ lưỡng, đó là tập trung quản trị rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, khai thác tối đa hệ sinh thái đối tác chiến lược, đặc biệt là số hóa các hoạt động ngân hàng tiêu biểu nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngân hàng số SeAMobile/SeANet và tổng đài chăm sóc khách hàng, hay ứng dụng công nghệ định danh điện tử eKYC khi đăng ký tài khoản eBank 100% online từ xa và hệ thống giao dịch tự động tại quầy SeATeller, văn phòng điện tử SeAOffice… Chiến lược này càng thể hiện rõ hiệu quả ngay cả khi dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế năm vừa qua với 4 đợt bùng phát dịch trên toàn quốc nhưng SeABank vẫn có những bước tăng trưởng đáng nể.
Nhờ đẩy mạnh số hóa mà tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của SeABank cũng giảm mạnh từ 47,5% năm 2020 xuống còn 36% cuối năm 2021. Đây là một chỉ số quan trọng đánh giá hiệu quả trong hoạt động ngân hàng nói chung.
Kết quả ấn tượng trên không chỉ khẳng định nội lực vững mạnh và hiệu quả hoạt động của SeABank mà còn là cơ sở để nhà đầu tư săn đón và "rút hầu bao" cho cổ phiếu SSB. Kể từ khi lên sàn (ngày 24/3/2021), cổ phiếu SSB liên tiếp tăng trần. Ngày cuối cùng của năm 2021, cổ phiếu SSB đóng cửa ở mức giá 45.600 đồng/cp, đưa giá trị vốn hóa của Ngân hàng vượt 2,9 tỷ USD và nằm trong Top 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Chinh phục mục tiêu mới
Chia sẻ về những sự đột phá của SeABank, bà Lê Thu Thủy - Tổng Giám đốc Ngân hàng cho biết: "Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, SeABank đã tạo nên kết quả chúng tôi tự hào gọi là Phi thường khi không chỉ hoàn thành mà còn vượt kế hoạch đề ra. Tất cả những con số trên là nhờ sự điều hành linh hoạt, nắm bắt thời cơ của Ban lãnh đạo và nỗ lực của từng CBNV và từng đơn vị kinh doanh, thể hiện rõ từ Chiến lược đến Cam kết và Kế hoạch thực thi".
SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gần 50% so với năm 2021.
Đáng chú ý, kết quả năm 2021 cho thấy SeABank đang đi trước khoảng 1 năm rưỡi so với lộ trình kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Điều này càng chứng tỏ những giải pháp SeABank đưa ra đang phát huy hiệu quả, đồng thời phù hợp với xu thế chung của thị trường đó là đưa công nghệ vào trong hoạt động vận hành cũng như sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Với đà tăng trưởng liên tiếp qua các năm, SeABank kỳ vọng sẽ tiếp tục chinh phục được những mục tiêu và gặt hái thêm nhiều thành tựu trong năm 2022. Theo đó, SeABank đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến lên mức 232.830 tỷ đồng, tăng trưởng 10%; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 4.866,6 tỷ đồng, tăng trưởng gần 50% so với năm 2021.
Hiện SeABank đang bám sát chiến lược "Hội tụ số" theo hướng tích hợp nền tảng công nghệ với hệ sinh thái và cập nhật xu hướng phát triển công nghệ của thế giới như AI, Deep Learning, lưu trữ đám mây qua Google Cloud... Điều này sẽ giúp Ngân hàng ứng dụng hiệu quả hơn công nghệ vào trong hoạt động vận hành cũng như số hóa sản phẩm dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh đó, SeABank cũng đang triển khai nhiều dự án liên quan đến công nghệ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển nguồn nhân lực… Những dự án này sẽ cho quả ngọt trong thời gian tới góp phần tăng cường hệ thống công nghệ, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng cũng như nâng cao năng suất lao động, tăng cường sự gắn kết CBNV, tạo nên sức mạnh trong nội lực, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường tài chính - ngân hàng.
Với nền tảng vững chắc và những kết quả đã đạt được của năm 2021 và mục tiêu đề ra của năm 2022, việc SeABank tiệm cận và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 không còn xa.