Tài chính

Sau Sabeco, BigC,… "Người Thái" đang toan tính gì khi rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam?

Sau Sabeco, BigC,… "Người Thái" đang toan tính gì khi rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam? - Ảnh 1.

Trong buổi chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Pipit Aneaknithi, Chủ tịch Kasikornbank (KBank - ngân hàng lớn hai Thái Lan) đã bất ngờ công khai kế hoạch rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam từ nay đến 2027. Phần lớn số tiền sẽ đầu tư vào hoạt động ngân hàng, với 735 triệu USD. Số tiền còn lại dành cho hai công ty con của KBank tại Việt Nam là quỹ đầu tư KVision (336 triệu USD) và công ty công nghệ KBTG (7 triệu USD).

Được biết, dù mới mở chi nhánh tại TP HCM vào cuối năm 2022 nhưng Kasikornbank hiện là ngân hàng nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam với vốn điều lệ 6.621 tỷ đồng, tương đương 281 triệu USD. Với việc ra mắt một loạt các giải pháp kỹ thuật số mới, ngân hàng này đặt mục tiêu sẽ tiếp cận 1,2 triệu khách hàng Việt Nam trong năm 2023.

Kế hoạch trên được người đứng đầu KBank tiết lộ gần như cùng lúc với thông tin được Reuters đăng tải rằng Kasikornbank đang đàm phán để mua lại công tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam. Thỏa thuận có giá trị lên tới 1 tỷ USD, với mục tiêu mở rộng hơn nữa hoạt động của KBank tại Việt Nam. Phía KBank đang thảo luận về thương vụ này và hiện tại chưa có quyết định cuối cùng.

KBank không phải là ngân hàng Thái Lan duy nhất muốn thâm nhập sâu vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam thông qua thâu tóm công ty tài chính. Trước đó, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan đã đạt thỏa thuận mua lại 100% vốn của SHB Finance từ SHB.

Cụ thể, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Chia sẻ trên tờ Nikkei Asia , đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi gần 156 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.

Tháng 5 vừa qua, SHB hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHB Finance cho đối tác Krungsri. Đồng thời ngân hàng của Thái Lan cũng đã đưa nhân sự vào đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo chủ chốt của SHB Finance.

Các ngân hàng “xứ sở chùa vàng” từ lâu đã đưa thị trường Việt Nam vào "tầm ngắm" khi mở các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP HCM.

Công bố thông tin của Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngân hàng lớn nhất Thái Lan là Bangkok Bank hiện có 2 chi nhánh tại Việt Nam (Hà Nội và TP HCM) với tổng mức vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 5.200 tỷ đồng.

Trước đó, nhà băng lớn thứ ba của Thái Lan là Ngân hàng Siam Thái Lan (SCB) cũng đã đổ bộ vào Việt Nam khi thành lập chi nhánh tại TP HCM vào năm 2015 trên cơ sở mua lại, tiếp nhận tài sản, công nợ của Ngân hàng Liên doanh Việt - Thái (VSB). Hiện chi nhánh của Ngân hàng Siam Thái Lan tại TP HCM có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng, tương đương một số nhà băng nhỏ của Việt Nam.

Như vậy, 4/5 ngân hàng lớn nhất Thái Lan trực tiếp hoặc gián tiếp đã có mặt tại Việt Nam với tổng mức vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Qua đó, đưa Thái Lan trở thành một những quốc gia rót vốn mạnh nhất vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Người Thái" đang toan tính gì?

Hiếm có nhà đầu tư nước ngoài nào lại vào sâu, ở lâu, bám chặt, tham gia nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam như nhà đầu tư Thái Lan.

Nói về những lần “chơi lớn” của người Thái không thể bỏ qua các thương vụ thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ. Đáng chú ý nhất là “bom tấn” Sabeco về tay Thaibev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi vào cuối năm 2017. Hay như một loạt các thương vụ M&A “khủng” trong mảng bán lẻ như Berli Jucker mua 64,55% cổ phần của Phú Thái Group, rồi mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro của Đức, với trị giá 655 triệu euro, đến chuyện Central mua lại Big C Việt Nam, cũng như mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thụ điện máy Nguyễn Kim;…

Tại lĩnh vực ngân hàng, quy định của Việt Nam hiện không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu quá 30% vốn của một nhà băng trong nước. Do đó, các ngân hàng ngoại muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam thường lựa chọn giải pháp mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài hoặc mua lại các công ty tài chính, giống như chiến lược mà những ngân hàng Thái Lan như Kasikornbank hay Krungsri đang thực hiện.

Theo chủ tịch KBank Pipit Aneaknithi, Việt Nam được xem là trọng điểm phát triển của khu vực Đông Nam Á của nhà băng này. Nơi đây có lợi thế đáng chú ý ở dân số trẻ, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật có thể giúp đất nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với việc chính phủ có những chính sách chèo lái kinh tế tốt, theo ông Pipit Aneaknithi.

Ông ví công thức phát triển cho Việt Nam như việc chuẩn bị một món ăn với đủ 3 nguyên liệu. Nguyên liệu đầu tiên là nhân sự, với hơn 20 triệu sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hàng năm. Nguyên liệu thứ hai là công nghệ. Nguyên liệu thứ ba là tài chính, nơi ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ các hoạt động sản xuất công nghiệp tiến lên.

Với việc tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, “ông lớn” ngân hàng Thái nhắm đến nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và cá nhân. Theo ông Pipit Aneaknithi, ngân hàng này nhìn thấy cơ hội khi hơn 97% doanh nghiệp ở Việt Nam là SME nhưng chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng.

Còn theo nguồn tin của Reuters , KBank kỳ vọng sẽ trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu Việt Nam về tài sản vào năm 2027.

"KBank hiện đang vận hành giải pháp KBank Biz Loan, một dịch vụ tín dụng dành cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Thỏa thuận tiềm năng với Home Credit sẽ cho phép ngân hàng thúc đẩy các dịch vụ tài chính cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ", một trong những nguồn tin thân cận với KBank chia sẻ với Reuters .

Với Krungsri, thông qua khoản đầu tư tại SHB Finance, Ngân hàng Thái Lan này không hề giấu diếm tham vọng dẫn dầu mảng tài chính tiêu dùng Việt Nam.

“Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ tiềm năng tăng trưởng hàng năm khoảng 6-7%, cùng với các cơ hội kinh doanh nở rộ nhờ tiêu dùng gia tăng. Chúng tôi tin tưởng sự hợp tác giữa Krungsri với SHBFinance sẽ củng cố thương hiệu, hiệu quả hoạt động và thúc đẩy vị thế của SHBFinance trở thành một công ty hàng đầu trên thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam”, ông Kenichi Yamato – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Krungsri kỳ vọng.

Bên cạnh đó, thông qua khoản đầu tư tại SHBFinance, Ngân hàng Thái Lan này sẽ mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, cũng như tăng cường hoạt động kinh doanh tại khu vực. Hoạt động này cũng giúp Krungsri củng cố thương hiệu tại 5 quốc gia ASEAN, từ đó kết nối nhu cầu của khách hàng trên toàn khu vực.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm