Diễn biến giá vàng thế giới một năm qua - Ảnh chụp màn hình
Cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới từng ở mức xấp xỉ 20 triệu đồng/lượng do nhu cầu vàng tăng trong khi nguồn cung vàng miếng SJC không còn dồi dào như trước.
Tuy nhiên sau đó giá vàng thế giới "sập" về mức 1.622 USD/ounce ở thời điểm cuối tháng 10 trước khi bật tăng trở lại và kết thúc năm 2022 ở mức 1.824,5 USD/ounce.
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 52,2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó giá bán vàng miếng SJC hôm nay (31-12) ở mức 67 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 66 triệu đồng/lượng.
Công ty PNJ niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 66,7 triệu đồng/lượng, mua vào 65,9 triệu đồng/lượng.
Dù giá vàng thế giới chỉ tăng 286.000 đồng/lượng so với thời điểm 31-12-2021 nhưng giá vàng miếng SJC đã tăng thêm đến 5,35 triệu đồng/lượng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Giá vàng nhẫn 9999 SJC hiện bán ra ở mức 54 triệu đồng/lượng, mua vào 53 triệu đồng/lượng. Như vậy cách biệt giữa giá mua - bán vàng lên đến 1 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý dù giá vàng thế giới chỉ tăng 10 USD/ounce (tương đương 286.000 đồng/lượng) so với thời điểm ngày 31-12-2021 nhưng giá vàng miếng SJC đã tăng thêm hơn 5,25 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào, còn ở chiều bán ra thì tăng đến 5,35 triệu đồng/lượng và đang cao hơn 14,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Giá USD tự do hôm nay cũng khép lại ngày cuối năm 2022 ở mức 23.780 đồng/USD, mua vào 23.730 đồng/USD.
So với giá bán USD niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank là 23.730 đồng/USD thì hiện nay giá bán USD tại thị trường tự do chỉ còn cao hơn giá USD ngân hàng 50 đồng/USD.
Dự báo về giá vàng trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng khả năng giá vàng thế giới sẽ đi lên trong quý 1-2023 vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất dẫn đến đồng USD đi xuống.
Thêm vào đó Trung Quốc mở cửa sẽ khiến cho nhu cầu hàng hóa toàn cầu khởi sắc, trong đó có vàng.