Xã hội

Sáp nhập cấp tỉnh, trung tâm hành chính mới chọn theo tiêu chí nào?

Tóm tắt:
  • Tiêu chí sắp xếp cấp tỉnh gồm diện tích, dân số, lịch sử, văn hóa, địa kinh tế, quốc phòng và an ninh.
  • Đề án phê duyệt sáp nhập hành chính nhằm phát triển đất nước và mở rộng không gian phát triển vùng.
  • Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập với TP.HCM để tạo động lực phát triển kinh tế.
  • Tên đơn vị hành chính mới ưu tiên giữ tên cũ, dễ nhớ, phù hợp truyền thống và thuận tiện số hóa dữ liệu.
  • Trung tâm hành chính mới phải có vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ và phù hợp phát triển kinh tế-xã hội.

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đề án, việc sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng.

Sáp nhập cấp tỉnh, trung tâm hành chính mới chọn theo tiêu chí nào? - Ảnh 1.

Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập với TP.HCM

ẢNH: ĐỘC LẬP

Ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển. Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logistics, hồ chứa nước, đập thủy điện,... trong phạm vi 1 đơn vị hành chính cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.

Nguyên tắc xác định tên tỉnh, xã mới

Đề án nêu rõ, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.

Nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Trung tâm hành chính được lựa chọn ra sao?

Theo đề án của Chính phủ, việc lựa chọn trung tâm hành chính - chính trị của 1 trong số các đơn vị hành chính hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị của đơn vị hành chính mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.

Trung tâm mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,...), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.

Trung tâm mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh.

Sau khi đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính - chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.

 - Ảnh 2.

Tên gọi các tỉnh, thành phố sau sắp xếp

ĐỒ HỌA: LÊ HIỆP

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Bắt đối tượng truy nã Lê Thị Ngoan

Lê Thị Ngoan bị tuyên phạt 2 năm tù giam về tội "Đánh bạc", tuy nhiên, đối tượng đã trốn khỏi địa phương trong thời gian được tại ngoại chờ thi hành án.