Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong 6 tháng qua tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm và chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành giảm 1,2%, riêng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6% do cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, đồ gỗ...
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, những khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng và tiêu thụ sản phẩm trong nửa đầu năm 2023 đã khiến doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành chế biến, chế tạo giảm mạnh.
Cụ thể, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...
Điều này khiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, chỉ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%, chỉ đóng góp 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong bối cảnh tiêu thụ giảm, tồn kho toàn ngành cũng tăng cao.
Ước tính tại thời điểm 30/6/2023, tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%. Điều này cho thấy những khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và tiêu thụ sản phẩm.
Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm. Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, với ngành may, đơn hàng của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn, thậm chí vài trăm sản phẩm. Thứ hai là đơn giá giảm rất mạnh. Nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%. Bên cạnh đó, việc giao nhận hàng do chậm trong giao nhận hàng từ phía đối tác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tiền, kho bãi. Khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn; các mặt hàng không đúng truyền thống, sở trường.
Cũng theo chia sẻ của ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, bên cạnh khó khăn về thị trường thì các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn, nếu có thì mức lãi suất thời gian qua vẫn cao, có thời điểm lên đến hơn 10%.
"Chúng tôi kỳ vọng, về cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng. Cùng đó, các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, điều này giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được triển khai, bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...”, ông Đào Phan Long nói.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu.
Các tập đoàn đa quốc gia cũng đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Brazin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần tiếp sức từ chính sách thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, giãn thời gian thanh toán nợ để doanh nghiệp không chịu áp lực về dòng tiền thanh toán. Bên cạnh đó, nên có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để trả lương cho lao động trong những tháng đơn hàng thiếu hụt.
Ngoài ra, đầu tư cho khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường… để đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của thị trường châu Âu cần nguồn lực lớn. Xu hướng xanh hóa không chỉ ở dệt may mà đã lan tỏa sang nhiều ngành nghề khác. Doanh nghiệp mong muốn có được hỗ trợ từ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng, song việc tiếp cận của doanh nghiệp khá khó khăn. “Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần có thể chế tài chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn” ông Giang chia sẻ.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp khoảng 8-9%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tập trung mạnh hơn vào các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), để tăng xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định.
Cùng đó đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Từ đó, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử.
Bộ sẽ tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ở trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước,...