Vì sao Sacombank chưa chia cổ tức?
Theo văn bản của Sacombank: Tại Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2022 của Sacombank diễn ra ngày 25/4/2023, cổ đông Nguyễn Văn Thanh đã có ý kiến phát biểu chất vấn Ban lãnh đạo Ngân hàng về hoạt động ngân hàng và vấn đề chia cổ tức. Nhiều nội dung của cổ đông Nguyễn Văn Thanh đưa ra tại Đại hội cổ đông chưa thực sự chính xác và không phù hợp với quy định pháp luật.
Sacombank cho biết, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này từ năm 2017 đến nay liên tục có lợi nhuận. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến 2022 là 12.672.015 triệu đồng.
Còn việc Sacombank chưa thực hiện việc chia cổ tức là thực hiện theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước đối với một ngân hàng đang trong diện phải tái cơ cấu.
Hiện nay Ban lãnh đạo Sacombank đang nỗ lực để sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu ngân hàng theo phê duyệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm chấp thuận chia cổ tức cho cổ đông. Mọi khoản lợi nhuận vẫn còn nguyên đó.
Có đối tượng lợi dụng clip chất vấn của cổ đông xuyên tạc hoạt động của Sacombank, bôi nhọ danh dự của Chủ tịch HĐQT đương nhiệm.
Tuy nhiên, từ hoạt động chất vấn nêu trên đã có đối tượng lợi dụng clip được cắt ra từ cuộc chất vấn của cổ đông Nguyễn Văn Thanh và đã xuyên tạc hoạt động của Ngân hàng Sacombank, bôi nhọ danh dự của cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngân hàng Sacombank và của lãnh đạo Hội đồng quản trị.
Cụ thể, Sacombank phát hiện trên trang Facebook Thang Dang đã đăng tải thông tin mang tính xúc phạm nghiêm trọng đến cá nhân Ban lãnh đạo Sacombank.
Tại trang Facebook Thang Dang, người này tự giới thiệu là Đặng Tất Thắng, Chủ tịch Quỹ đầu tư tư nhân ATB Investment & Partners đã viết những nội dung xúc phạm đến ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank.
Sacombank trích lược lại một số nội dung trên Facebook Thang Dang như sau: "Làm ngân hàng dù ở bất cứ đâu trên thế giới này là lãi nhất rồi mà cổ đông không được chia cổ tức trong 7 năm thì đúng là Chủ tịch Ngân hàng Sacombank là người bất tài, anh này với mình còn là người không có Đức,…".
Người này viết tiếp, "…Chủ tịch ngân hàng mà có biết gì về "nghề" đâu…". (Bài viết này được lưu trên mạng khá lâu, được nhiều người chia sẻ - PV). Người này còn viết nhiều điều xúc xiểm ban lãnh đạo Sacombank.
Sacombank kiến nghị Cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật
Theo văn bản của Sacombank: "Với những lời lẽ nêu trên là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, hình ảnh của lãnh đạo Sacombank, đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Sacombank".
Đối với hành vi này, "Sacombank cũng đã có văn bản kiến nghị đến Cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật".
Năm 2022: Lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 6.339 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%
Văn bản của Sacombank khẳng định: Sau khi sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam, hoạt động Ngân hàng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Tính đến 30/06/2017 chỉ số hoạt động Ngân hàng rất xấu, cụ thể: Tổng tài sản hợp nhất 355.813 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 576 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 7,41%, tài sản tồn đọng báo cáo tài chính riêng 94.864 tỷ đồng".
Tuy nhiên, sau 6 năm nỗ lực tái cơ cấu với sự chỉ đạo quyết liệt của Hội đồng quản trị và đặc biệt là vai trò dẫn dắt của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng Sacombank đã hoạt động hiệu quả trở lại, lấy lại vị thế trên thị trường. Chỉ số tài chính của Sacombank được cải thiện rõ rệt, lợi nhuận tăng cao, thu nhập của người lao động tốt hơn, thực hiện nhiều hoạt động bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2022, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank là 591.908 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 6.339 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%; lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế đến năm 2022 là 12.672.015 triệu đồng.
Nhân vật "bất đắc dĩ" trong bài viết trên Facebook Thang Dang nói gì?
Trong bản chụp bài viết của Facebook Thang Dang có nhắc tới một nhân vật là "Anh D", người này từng là Chủ tịch của Sacombank trước khi ông Chủ tịch hiện nay được "Ngân hàng Nhà nước "chỉ định" làm Chủ tịch".
Theo bản chụp bài viết của Thang Dang: "Anh D - một con người cả về trình độ (Nghề Ngân hàng) lẫn tư cách đạo đức hơn ông chủ tịch hiện nay gấp vạn lần (Anh D từng là quan chức của Ngân hàng nhà nước sau đó cũng xin từ nhiệm ra làm riêng), tôi mới thắc mắc tại sao anh lại nhường chức Chủ tịch Sacombank…. , và sau khi biết rõ câu chuyện thì tôi càng kinh tởm con người này…"
Để có thêm thông tin khách quan về hoạt động của Sacombank những năm qua, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với "Anh D" - nguyên Chủ tịch của Sacombank (nhân vật đề nghị phóng viên không nêu tên).
Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ "Anh D" cho biết: Ông đã từng làm việc trong cơ quan nhà nước, sau đó chuyển ra ngoài tham gia hoạt động kinh doanh, đã có những khoảng thời gian làm việc tại Sacombank sau đó tách ra "xây dựng cơ đồ riêng".
Bày tỏ sự trân trọng đối với các lãnh đạo đương nhiệm của Sacombank cả trong quan hệ cá nhân lẫn công việc, ông D cho biết, tại thời điểm ông đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Sacombank, khi xây dựng đề án tái cơ cấu cho ngân hàng này, ông cùng các cộng sự tính toán phải mất khoảng 10 năm mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên với sự chèo lái tài tình của đội ngũ lãnh đạo hiện tại, chỉ sau 6 năm, Sacombank đã có sự chuyển mình đáng kinh ngạc, đạt được nhiều thành tựu mà bản thân ông lúc giữ chức vụ cũng "không dám nghĩ đến". Sacombank đã trải qua một thời điểm rất khó khăn, nợ xấu tăng cao, nhân sự thì khủng hoảng, đến khi có ban lãnh đạo mới do Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn.
Chia sẻ thêm với phóng viên về việc "bỗng dưng trở thành nhân vật bất đắc dĩ" trong bài viết trên trang Facebook Thang Dang, ông D cho biết, khi biết được thông tin này, chính ông đã gọi điện cho chủ trang Facebook Thang Dang đề nghị gỡ bài viết
Thiết nghĩ, yêu ai hay ghét ai là cảm xúc riêng của mỗi con người. Nhưng bài học về phát ngôn trên mạng không đúng quy dịnh pháp luật, thậm chí xúc phạm đến hình ảnh, uy tín của cá nhân, tổ chức khác, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bài học từ câu chuyện liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng vẫn còn nguyên giá trị.