Phản đối khai thác cát vì sạt lở
Những ngày gần đây, nhiều người dân xã Đồng Văn (H.Thanh Chương, Nghệ An) đã dựng lán, mang theo trống, cờ, loa ra bờ sông Lam để phản đối hoạt động khai thác cát của một doanh nghiệp. Người dân còn cắt cử nhau túc trực tại lán cả ngày lẫn đêm để xua tàu thuyền hút cát vì sợ rút về, tàu thuyền sẽ quay lại.
"Hàng ngày có 5 - 10 tàu lớn thay nhau đến đây hút cát. Họ hút ồ ạt và đã xuất hiện những hố sâu như hố bom gần chân đê. Dân chúng tôi ở sát đê, họ khai thác kiểu này thì sớm muộn cũng sẽ sạt vào chân đê, đe dọa nhà cửa của chúng tôi", ông Trần Đình Niệm (ngụ xóm Tiên Quánh, xã Đồng Văn) bức xúc.

Bãi bồi ở xã Đồng Văn bị sạt lở do khai thác cát
ẢNH: K.HOAN
Ông Nguyễn Xuân Sơn, ngụ cùng xóm với ông Niệm, cũng cho hay người dân ở đây đã từng phản đối việc khai thác không đúng vị trí cấp mỏ. Doanh nghiệp và chính quyền từng hứa sẽ thu hẹp mỏ, nhưng không những không thu hẹp diện tích khai thác mà ngày càng "bành trướng", càng nhiều tàu, sà lan rất lớn đến hút cát.
"Chúng tôi đề nghị chính quyền và các ngành chức năng cho dừng khai thác cát tại vị trí này, rà soát lại toàn bộ hoạt động khai thác và có giải pháp bảo vệ bờ sông, đảm bảo an toàn cho hàng chục hộ dân", ông Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, sau khi người dân phản đối khai thác cát, xã đã tổ chức đối thoại với người dân 3 lần và phải thuê đơn vị chuyên môn về đo đạc, xác định vị trí ranh giới khu vực được cấp phép.
Qua đo đạc thực địa, cơ quan chuyên môn xác định chủ mỏ đã cho khai thác vượt ra ranh giới được cấp phép hơn 1.117 m2. Đoàn kiểm tra của Sở Nông Nghiệp và Môi Trường Nghệ An sau đó đã đề nghị chủ doanh nghiệp này cắt giảm diện tích mỏ khoảng 2 ha so với giấy phép đã được cấp. Vị trí cắt giảm là khu vực người dân phản đối khai thác, để đảm bảo an toàn cho đê và bãi bồi.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu doanh nghiệp này dừng khai thác cho đến khi xử lý xong việc cắt giảm diện tích mỏ và hoàn thổ, khắc phục khu vực đã khai thác trái phép.

Người dân phản đối hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp
ẢNH: K.HOAN
Mỏ cát này được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép từ năm 2018, thời hạn 24 năm với diện tích khai thác là 20,56 ha, độ sâu khai thác -3 m. Theo kết quả thăm dò, sản lượng khai thác hơn 1 triệu m3, trong đó, hơn 960.000 m3 cát và hơn 91.000 m3 sỏi. Mỗi năm, doanh nghiệp này được phép khai thác gần 50.000 m3 cát, sỏi.
Người dân ở địa phương cũng cho biết, trước khi được cấp phép, cơ quan chức năng đã tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến người dân nhưng việc tham vấn này chỉ mang tính hình thức, người dân không đồng ý vẫn cấp phép.
Một cán bộ Sở Nông Nghiệp và Môi Trường Nghệ An xác nhận, tại cuộc họp ngày 3.4 giữa đoàn kiểm tra của sở này và chính quyền địa phương cũng nêu vấn đề này. Lãnh đạo địa phương cho biết trước đây có tham vấn cộng đồng, nhưng chưa đủ, 1 xóm người dân đồng ý nhưng 1 xóm người dân không đồng ý cấp phép khai thác.
Ông Nguyễn Quốc Chương cho hay, năm 2023 người dân xã Đồng Văn từng phản đối mỏ cát này. Sau đó, xã đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, đề nghị rà soát hoạt động khai thác khoáng sản của chủ mỏ là Công ty CP khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương.
Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện doanh nghiệp này khai thác vượt công suất cho phép khai thác hàng năm, trong đó năm 2020 vượt 211,2%, năm 2021 vượt 208,6% công suất. Với sai phạm này, UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt doanh nghiệp này 900 triệu đồng và đình chỉ khai thác 5,5 tháng.
Cát lấy đi, đất sạt xuống
Không chỉ ở xã Đồng Văn, những năm qua, nhiều diện tích đất sản xuất ven sông Lam thuộc các huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn… cũng đã biến thành sông, sau khi hàng chục mỏ cát được cấp phép khai thác.
Tại xã Thanh Lĩnh (H.Thanh Chương), bờ kè chống sạt lở ven bờ sông Lam cũng bị nước sông đánh sập. Người dân ở đây cho biết, trước đó, vào đêm khuya, một số tàu thuyền thường tiếp cận sát khu vực bờ kè để khai thác cát, sỏi. Chính quyền địa phương sau đó phải phối hợp với cơ quan chức năng để xua đuổi tàu hút cát ra khỏi khu vực này, vì đây là phạm vi nằm ngoài mỏ.

Một điểm sạt lở ở bờ sông Lam tại H.Hưng Nguyên
ẢNH: K.HOAN
Tại H.Hưng Nguyên, sạt lở bờ sông Lam xảy ra ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây. Vùng đất bãi bồi sông Lam kéo dài từ xã Xuân Lam sang xã Long Xá liên tục bị sạt lở sâu vào phía bờ. Chỉ riêng bãi bồi của xã Long Xá chiều dài 2,2 km trước đây có diện tích trên 200 ha, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 150 ha.
Ông Hồ Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Long Xá, cho hay địa phương đã trồng cây chắn sóng, trồng hàng ngàn cây keo tại các khu vực sạt lở, nhưng các biện pháp này không mang lại hiệu quả như mong muốn. Sau đó, cơ quan chức năng và địa phương đã kè đá ven sông để chống sạt lở, những khu vực chưa được kè vẫn tiếp tục sạt lở.
Một người dân lớn tuổi ở đây phản ánh, hiện tượng sạt lở bờ sông Lam đã xảy từ nhiều năm trước đây, nhưng diện tích không đáng kể. Những năm gần đây, sạt lở ngày càng dữ tợn hơn và không còn "bên lở bên bồi" như ngày xưa mà hai bên đều lở.
"Nhìn người ta khai thác cát như thế, lòng sông bị moi ruột, đất cát trên bờ phải ập xuống thôi", người này nói.
Tài liệu điều tra của Đoàn quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, những năm qua, tổng chiều dài sông Lam 186,489 km đã xói lở mất 561 ha đất, ảnh hưởng 249 ngôi nhà của dân, làm hư hỏng 134 công trình hạ tầng.
Có 3 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến sạt lở bờ sông Lam: thứ nhất do yếu tố địa hình, địa chất gồm các yếu tố vật liệu bờ, hình thái bờ có tác động lớn đến sự xói mòn đất và sạt lở của bờ sông.
Thứ hai do yếu tố khí tượng thủy văn (lưu lượng và lưu tốc dòng chảy, tạo sự sai khác về hướng chảy sau hợp lưu, tạo xoáy ngầm và hiện tượng hàm ếch).
Thứ ba là do tác động của con người (đào bới, san lấp để xây dựng các công trình, khai thác cát sỏi, xây dựng các thủy điện, khai thác rừng đầu nguồn đến cạn kiệt).
Theo các chuyên gia, trong 3 nhóm nguyên nhân nói trên, nhóm thứ 3 có tác động tiêu cực lớn nhất. Nó vừa tác động trực tiếp lên bờ sông, vừa tác động gián tiếp lên các yếu tố thuộc 2 nhóm kia một cách hữu hình hoặc vô hình, làm thay đổi quy luật dòng chảy và sức công phá của lũ.