Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Điều tra ban đầu xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm thành lập CTCP dược quốc tế Rance Pharma và CTCP dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.
Số lượng lớn thương hiệu sữa giả được đưa ra ánh sáng khiến người tiêu dùng hoang mang. Trong đó có những loại sữa được quảng cáo bởi những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng.
Ngày 15/4, Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam – đơn vị sở hữu bản quyền và phân phối chính thức sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27, đã gửi thông báo tới khách hàng và đối tác về những thông tin “chưa chính xác được lan truyền trong thời gian qua”. Đây là thương hiệu sữa được BTV Quang Minh và Vân Hugo quảng cáo.

BTV Quang Minh và Vân Hugo quảng cáo sản phẩm sữa. (Ảnh: Chụp màn hình).
Nhà sản xuất khẳng định sản phẩm Hiup được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, kiểm nghiệm định kỳ bởi Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia. Sản phẩm đã được Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm – Sở Y tế Vĩnh Phúc cấp Giấy tiếp nhận bản công bố.
Ngoài ra, theo Alama, Hiup cũng đã được kiểm nghiệm độc lập bởi Trung tâm Kiểm nghiệm và Tư vấn Khoa học – Công nghệ AVATEK.
Doanh nghiệp cho biết Hiup được nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng tài liệu khoa học uy tín và thông tin tư vấn chuyên môn từ các đối tác trong lĩnh vực dinh dưỡng.
Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận một số nội dung truyền thông trước đây có thể chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu sai lệch, ví dụ như việc cho rằng chỉ cần sử dụng sản phẩm Hiup là có thể đạt được hiệu quả tăng trưởng chiều cao như mong muốn.
“Alama đã rà soát và điều chỉnh toàn bộ hoạt động truyền thông, gỡ bỏ các nội dung chưa chuẩn hóa để đảm bảo tuân thủ đúng Luật Quảng cáo và các quy định liên quan”, doanh nghiệp cho hay.
Đơn vị sản xuất sữa cho biết trong thời gian qua, liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng phát hiện và xử lý gần 600 loại sữa bột giả trên thị trường, họ nhận thấy một số cá nhân và tổ chức đã lợi dụng sự việc để đăng tải thông tin sai lệch, xuyên tạc bản chất vụ việc.
“Những hành vi đó đã không chỉ xâm hại trực tiếp đến uy tín thương hiệu mà còn làm lung lay lòng tin của khách hàng, đối tác, gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh hợp pháp và danh dự của doanh nghiệp”, Alama lên tiếng.
Do đó, doanh nghiệp cho biết đã triển khai các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ uy tín thương hiệu và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
“Alama khẳng định rằng sản phẩm Hiup và Alama hoàn toàn không liên quan và không có bất kỳ mối liên hệ nào với các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh sữa bột giả đang được các phương tiện truyền thông phản ánh”, doanh nghiệp nhấn mạnh.
Liên quan vụ việc, tối 15/4, BTV Quang Minh xin lỗi trên trang cá nhân liên quan đến việc anh từng quảng cáo một thương hiệu sữa thời gian qua.
Anh cho biết bản thân không phải là bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng và cũng chưa từng có ý định đứng ra bảo đảm hay khẳng định giá trị y học của bất kỳ sản phẩm nào.
Quang Minh giải thích anh xuất hiện trong các video quảng bá đó như một lời giới thiệu, dựa trên những thông tin mà phía nhãn hàng cung cấp, trong khuôn khổ một hợp đồng truyền thông hợp pháp và trải nghiệm của bản thân, gia đình trong một thời gian.
"Tôi xin nhận lỗi vì đã để xảy ra một sự việc khiến dư luận băn khoăn và khiến nhiều người yêu quý tôi cảm thấy thất vọng. Đây là điều tôi không hề mong muốn", nam BTV cho hay.