Tài chính

Room ngoại chạm trần 30%, Sacombank có tiềm năng gì hấp dẫn các NĐT nước ngoài?

Mạch mua ròng của khối ngoại với cổ phiếu STB đã kéo dài trong hai năm 2021 và 2022 được tiếp tục sang đầu năm 2023.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/2, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chính thức chạm trần room ngoại 30%, gia nhập nhóm các cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại săn đón nhất như ACB, MSB, TPB,... Trong phiên, khối ngoại đã mua ròng hơn 289 tỷ đồng cổ phiếu STB và dẫn đầu bên mua.

Cổ phiếu STB hiện được đánh giá là cổ phiếu duy trì được đà thanh khoản tốt nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong khi khối lượng giao dịch toàn ngành duy trì ở mức thấp thì giao dịch cổ phiếu STB liên tục sôi động với các giao dịch có khối lượng đột biến. 

Tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu STB tăng 4% từ mức 23.500 đồng/cp lên 24.450 đồng/cp.

 Diễn biến cổ phiếu STB. (Nguồn: Tradingview).

Tháng 3/2022, Dragon Capital đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5% và chính thức trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Nhóm các quỹ của Dragon Capital cũng liên tục thực hiện các giao dịch mua vào - bán ra cổ phiếu này trong khoảng thời gian sau đó.

Gần đây nhất,ngày 3/1, Dragon Capital đã bán ra 2,55 triệu cổ phiếu STB thông qua các quỹ thành viên đưa lượng sở hữu cổ phiếu Sacombank giảm xuống còn hơn 110 triệu đơn vị, tương đương 5,86% vốn điều lệ ngân hàng. 

Đâu là sức hút của Sacombank?

Giao dịch sôi động của khối ngoại và sự kín room ngoại của cổ phiếu STB trong thời gian qua cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu ngân hàng này.

Sacombank là một trong những ngân hàng được đánh giá thành công trong quá trình tái cơ cấu hậu sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (tháng 5/2015). Nửa đầu năm 2022, ngân hàng đãđã hoàn thành chỉ tiêu quan trọng trong đề án tái cơ cấu, xử lý xong 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được đưa về 1,27%.

Trong lần xuất hiện trở lại vào tháng 10/2022, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết:“Sacombank đã vực dậy vươn lên mạnh mẽ với tốc độ "thần kỳ". Đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, khoảng cách đến vạch đích đã không còn xa nữa”.

CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm cho rằng khoảng giữa năm 2023 ngân hàng có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công. Sacombank cũng được nhiều công ty chứng khoán đánh giá đang trong đà hồi phục trở lại nhóm những ngân hàng top đầu.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng Sacombank sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc vào cuối năm 2023 nhờ vào việc bán các khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của STB được thế chấp làm tài sản thế chấp cho VAMC vào năm 2023.

"Chúng tôi tin rằng Sacombank sẽ có lợi nhuận tăng mạnh sau giai đoạn tái cấu trúc và hiện dự báo lợi nhuận sau thuế của ngân hàng sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 41,1% từ năm 2022 đến năm 2025", theo VCSC.

Báo cáo phân tích của Chứng khoán SSI đánh giá trong những năm qua, Sacombank đã nâng cao chất lượng tài sản một cách ấn tượng và không cho vay trái phiếu doanh nghiệp cũng như chỉ duy trì dư nợ cho vay bất động sản ở mức thấp.

"Nếu ngân hàng có thể duy trì hiệu quả hoạt động tốt từ quý III/2022 trở đi, STB có thể sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng thương mại top 1", báo cáo của SSI Research viết.

Các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng nhờ không còn phải trích lập dự phòng lãi dự thu, biên lãi thuần (NIM) của Sacombank ở mức 4,2 - 4,3%. Các khoảncho vay bán lẻ (đặc biệt là cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ) sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho Sacombank trong năm tới.

Việc xử lý hai nhóm tài sản lớn cũng là một trong những điểm nhấn được các chuyên gia phân tích lưu ý với Sacombank là nhóm cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC và Khu công nghiệp Phong Phú. Theo ước tính của SSI Research, giá trị của các tài sản này dao động trong khoảng 26.000 - 27.000 tỷ đồng, đủ để xử lý khoản tài sản có vấn đề còn lại.

Tổng giá trị khoản nợ gộp mà ngân hàng đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.100 tỷ đồng và lãi dự thu là 11.000 tỷ đồng. Sau nhiều vòng đấu giá, giá khởi điểm tính đến tháng 12/2022 giảm xuống còn gần 7.900 tỷ đồng, rất gần với số nợ gốc.

Tuy vậy, SSI cũng cho biết việc bán KCN Phong Phú đang gặp một số khó khăn như (1) Tính pháp lý chưa hoàn thiện: Chưa có quy hoạch, (2) Thời gian hoạt động của KCN chỉ còn 29 năm, ngắn hơn thời hạn của các dự án công nghiệp mới, điều này làm hạn chế thời gian thuê còn lại của nhà đầu tư thứ cấp; (3) Chi phí đầu tư cho dự án cao (nếu tính trên khoản nợ 5.134 tỷ đồng thì có thể lên tới 46,6 triệu đồng/m2 hay 1.950 USD/m2).

Vì vậy, việc bán khu công nghiệp này có thể cần thêm thời gian để tìm được nhà đầu tư phù hợp hoặc điều chỉnh xuống mức giá hấp dẫn hơn, nhất là khi nguồn vốn cho thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. 

Cùng với đó, các chuyên gia SSI cho rằng việc xử lý cổ phần của STB liên quan đến Trầm Bê dường như là tài sản khó xử lý nhất, để bán được số cổ phần này sẽ cần khoảng thời gian nhất định, do số lượng khá lớn cũng như việc này cần quy trình hướng dẫn cụ thể hơn hơn của NHNN để phê duyệt việc bán. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố gần đây, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.

Các tin khác

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Hôm nay (6/4), miền Bắc tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng vùng núi có mưa vừa đến mưa to. Dự báo hình thái này duy trì đến hết ngày 7/4. Khu vực Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Các khu vực khác ít mưa, hửng nắng, riêng Đông Nam Bộ có nắng nóng.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Giá vàng tăng dựng đứng

TPO - Sáng nay (15/3), giá vàng trong nước tiếp tục tăng dựng đứng. Theo đó, giá vàng nhẫn lên mốc kỷ lục mới 96,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng gần chạm mốc 96 triệu đồng/lượng.

Khoản giảm trừ doanh thu 447 tỷ đồng năm 2022 của Kinh Bắc (KBC) đến từ dự án nào?

Doanh thu gộp năm 2022 của KBC giảm 67% đạt 1.400 tỷ đồng, nhưng lãi ròng vẫn tăng 41% đạt 1.550 tỷ đồng. Lợi nhuận chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập ròng từ các công ty liên kết đạt 2.200 tỷ đồng từ việc đánh giá lại giá trị đầu tư vào một công ty liên kết được ghi nhận trong quý 3/2022.

TS. Nguyễn Văn Đính: Nên nhanh chóng mở room tín dụng, bơm vốn để dự án được triển khai, giảm sức ép lên thị trường

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên nhanh chóng mở room tín dụng, bơm vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền bơm vào thị trường, phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn.