Nhật Bản được đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nhân lực tại các kho hàng và đơn vị vận chuyển trong năm 2024. Trong khi lĩnh vực thương mại điện tử ngày một mở rộng, cơ quan quản lý nước này lại ra quy định giới hạn giờ làm thêm của nhân viên hậu cần, gây lo ngại về tình trạng tồn đọng hàng hóa trên cả nước.
Theo Nikkei, nhiều công ty Trung Quốc nhanh chóng nhận ra vấn đề và đang ồ ạt xuất khẩu robot chuyên phục vụ tại kho hàng sang đất nước mặt trời mọc. Ví dụ, Syrius Robotics, công ty công nghệ trụ sở tại Thẩm Quyến, đã ký hợp đồng cung cấp 6.000 robot cho Nhật Bản trong hai năm tới. Những cỗ máy này được thiết kế để tự động tiếp cận người giao hàng, sau đó nhận bưu kiện và phân loại đến vị trí thích hợp. Đặc biệt, chúng có thể vận hành trong không gian chật hẹp, lối đi rộng chưa tới một mét mà không yêu cầu nhiều tinh chỉnh trong cài đặt.
"Hè năm ngoái, 60 robot kho hàng được triển khai tại một trạm trung chuyển ở phía Tây Nhật Bản. Kết quả, trạm vẫn đảm bảo vận hành dù giảm nhân viên từ 90 xuống còn 40 người", Adam Jiang, nhà đồng sáng lập Syrius Robotics, nói.
Một số công ty Nhật Bản muốn sử dụng hệ thống máy móc sản xuất trong nước, như nhà cung cấp Askul sử dụng robot của Murata Machinery, hay Amazon Nhật Bản triển khai robot do chính tập đoàn Amazon phát triển. Tuy vậy, việc tự cung tự cấp không giải quyết được hoàn toàn vấn đề do số lượng robot hạn chế và chi phí cao. Giới chuyên gia đánh giá xu hướng nhập thiết bị từ Trung Quốc sẽ tiếp diễn trong những năm tới.
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), khó khăn của Nhật Bản đem tới cơ hội lớn cho ngành robot kho hàng của quốc gia tỷ dân. Thống kê cuối 2022 cho thấy thế giới có khoảng 550.000 robot công nghiệp được triển khai mới, trong đó 52% do Trung Quốc sản xuất. Những hệ thống này thu hút đối tác quốc tế nhờ mẫu mã đa dạng, giá thành thấp hơn đáng kể so với các thương hiệu từ châu Âu và phần còn lại của châu Á.
Qichacha, đơn vị chuyên phân tích dữ liệu doanh nghiệp, cho biết hai tên tuổi lớn trong ngành robot hậu cần Trung Quốc là Geekplus và ForwardX đang tích cực mở rộng tầm ảnh hưởng tại Nhật Bản. Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn tìm kiếm chiến lược khác để cạnh tranh với các ông lớn. Ví dụ, Libiao Robotics đặt mục tiêu xây dựng nhà máy ngay tại Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu robot ở địa phương. Quicktron, công ty trụ sở tại Thượng Hải, ra mắt các cỗ máy hoạt động theo cặp, trong đó một robot di chuyển hàng theo chiều ngang kho, máy còn lại nâng thùng hàng theo chiều dọc để đặt lên kệ.
Theo Qichacha, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đang theo sát việc ứng dụng robot kho hàng ở Nhật Bản. Nếu thành công, họ sẽ tiếp tục mở rộng mô hình ra các quốc gia khác, cũng như cải thiện chính chuỗi cung ứng trong nước. Tương tự Nhật Bản, quốc gia tỷ dân đang muốn tăng cường đưa robot vào nhiều ngành công nghiệp để tránh phụ thuộc vào nguồn lực con người trong tương lai.