Báo cáo thường niên về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, khảo sát 1.000 doanh nghiệp trên cả nước cho thấy, 43,3% doanh nghiệp có dự toán ngân sách đầu tư nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Ngoài ra, có tới 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.
Ngoài ra, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cũng cho thấy, trong năm 2022, dù có đến 90% doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số nhưng số công ty sẵn sàng đầu tư chỉ chiếm 40%. Nguyên nhân đến từ việc đa số doanh nhân trẻ, doanh nghiệp nhỏ có nguồn vốn hạn chế để triển khai chuyển đổi số. Họ cũng phải đối mặt với chi phí đào tạo nhân viên, mua sắm các thiết bị và phần mềm mới.
Ông Giang Thiên Phú, nhà sáng lập kiêm CEO Callio cho biết chi phí luôn là vấn đề mà các đơn vị quan tâm, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo chuyên gia, có nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí. Trong đó, một số đơn vị chọn các phần mềm miễn phí hoặc dùng thử. Sau khi hết hạn, họ lại tìm kiếm các giải pháp tương tự.
Trước thực trạng này, Callio phân tích, nếu tính tổng chi phí cho mỗi lần thay đổi phần mềm, doanh nghiệp có thể phải trả nhiều hơn khoản phí hàng tháng. Lý do, nhân viên sẽ phải thay đổi thói quen, làm quen lại với việc sử dụng sau mỗi lần đổi phần mềm khiến giảm năng suất lao động, dữ liệu liên tục bị mất đi do không tương thích hay rò rỉ ra bên ngoài...
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu chi phí, xóa bỏ rào cản tiếp cận phần mềm, Callio giới thiệu nền tảng SaaS. Ưu điểm nổi bật của giải pháp này là chi phí rẻ do chia nhỏ theo thời gian sử dụng (hàng tháng) và số lượng người dùng. Doanh nghiệp có thể gia tăng quy mô, số lượng người sử dụng hoặc giảm, dừng sử dụng nếu thấy phần mềm không hiệu quả.
SaaS thường cập nhật liên tục và sử dụng nền tảng điện toán đám mây. Nhờ vậy giảm chi phí ẩn của cho hạ tầng, vận hành, an toàn thông tin...
"Tiêu biểu như giải pháp Office của Microsoft, trước đây thường được bán theo dạng phần mềm dùng trọn đời với chi phí cao hàng trăm USD. Nhưng Office 365 với dạng thuê bao hàng năm cùng mức phí rẻ vài chục USD, đã làm gia tăng tỷ lệ sử dụng phần mềm bản quyền", ông Phú dẫn chứng.
Cũng theo chuyên gia, chuyển đổi số không phải là một khoản chi phí để mua sắm, tạo gánh nặng trong giai đoạn khó khăn mà là giải pháp để tối ưu hóa chi phí và tạo ra những giá trị mới. Vì vậy, thay vì chuyển đổi số tốn bao nhiêu tiền, doanh nghiệp nên đặt ra câu hỏi đúng là "chuyển đổi số tạo ra bao nhiêu tiền". Để thay đổi quan điểm này, ông Phú cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp như Callio cần phải chứng minh tính hiệu quả như tăng doanh thu, thông qua bài học thành công của những đơn vị đã ứng dụng.
Cùng với đó, doanh nghiệp có thể coi những khoản đầu tư cho các giải pháp SaaS giống như chi phí công cụ lao động tương tự máy tính, cơ sở vật chất để nâng cao cũng như quản lý năng suất lao động của từng nhân viên.
Ông Phú nói thêm do chuyển đổi số không phải là mua phần mềm mà thay đổi toàn bộ quy trình của một bộ phận, công ty nên người đứng đầu dự án nên người có chức vụ cao nhất (Tổng giám đốc - CEO). Các CEO có thể thay đổi toàn bộ quy trình, tính toán được chi phí phù hợp, thay vì coi nó như một giải pháp để mua sắm như phần mềm công nghệ thông tin trước đây.
Một số chuyên gia cũng phân tích, để biết được chi cho chuyển đổi số có hiệu quả hay không, khi thực hiện phải tính được giá trị do chuyển đổi số mang lại, ví dụ tiết kiệm lao động, giờ lao động, tiết kiệm chi phí thường xuyên, giá trị mới do chuyển đổi số mang lại. Nếu giá trị tạo ra mà lớn hơn chi phí chuyển đổi số thì tức là hiệu quả. Do đó, có thể nói, chuyển đổi số không phải là một chi phí tăng thêm mà phải là một giá trị tăng thêm.