Một tàu vũ trụ chết có kích thước bằng một chiếc xe tải bốc cháy với plasma, sau đó tan thành bụi và rác khi nó xé toạc tầng điện ly và bầu khí quyển. Đây là những gì xảy ra với các vệ tinh dịch vụ Internet trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.
Trái đất bị rác thải độc hại bao phủ
Các doanh nhân đang đặt cược vào loại vệ tinh dùng một lần, như phương tiện làm giàu mới. Hiện nay có gần 10.000 vệ tinh đang hoạt động. Nhiều công ty đang làm việc nhanh nhất có thể để đưa thêm hàng chục ngàn vệ tinh nữa vào quỹ đạo, đặt mục tiêu đạt 1 triệu vệ tinh trong vòng 3 đến 4 thập kỷ tới.
Tiến sĩ Jonathan McDowell, thuộc Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, nói: "Chúng ta có thể có tới 100.000 vệ tinh trong vòng 10 đến 15 năm". Những vệ tinh này cung cấp năng lượng cho các dịch vụ Internet siêu kết nối và có thể biến một số tỉ phú thành tỉ phú ngàn tỉ. Tuy nhiên, cái giá phải trả là Trái đất sẽ bị rác thải độc hại bao phủ.
Không gian, trái với niềm tin phổ biến, không phải là một khoảng trống khổng lồ có khả năng tự làm sạch. Không gian chứa đựng các hệ thống như từ quyển, giúp chúng ta tồn tại và cung cấp oxy bằng cách bảo vệ bầu khí quyển. Không gian xung quanh Trái đất là một chiếc kén plasma đang nuôi dưỡng sự sống.
Rác thải ảnh hưởng đến từ trường Trái đất
Trên báo The Guardian, tác giả Sierra Solter, nhà vật lý plasma, phát hiện ra rằng rác vũ trụ - được tạo ra bởi các vệ tinh thương mại đã chết và sắp chết - có thể làm tổn hại đến tầng điện ly hoặc từ quyển, còn được gọi là môi trường plasma của Trái đất.
Sau khi nghiên cứu trong hơn một năm, Solter nói ông không nghi ngờ việc mức độ ô nhiễm cực lớn sẽ phá vỡ môi trường plasma mỏng manh của Trái đất, bằng nhiều cách. Tuy nhiên, rất ít người đang thảo luận về cuộc khủng hoảng tiềm tàng này.
Khi điều tra xem ngành công nghiệp vũ trụ đã thải bao nhiêu bụi dưới dạng mảnh vụn vệ tinh và tên lửa vào tầng điện ly trong quá trình quay lại khí quyển, Solter đã hoảng hốt khi phát hiện lượng tro kim loại hiện bằng gấp nhiều lần lượng tro kim loại của tháp Eiffel.
Ông thậm chí không thể tính toán được nếu không nhờ trang web do một nhà khoa học điều hành. Tầng ozone không đủ dày để hàng năm gánh chịu lượng tro kim loại tương đương ít nhất một tháp Eiffel. Tất cả rác thải này sẽ ở lại trong không gian, vô thời hạn.
Theo nhà vật lý plasma, con người thậm chí còn không có một ước tính rõ ràng về khối lượng của tất cả các vùng trong từ quyển, nhưng lại thải vào đó những mảnh vỡ của vô số tàu vũ trụ khổng lồ.
Không giống như các thiên thạch nhỏ chỉ chứa một lượng nhỏ nhôm, tàu vũ trụ rất lớn, được làm hoàn toàn bằng nhôm và các vật liệu kỳ lạ, có tính dẫn điện cao khác. Chúng có thể tạo ra hiệu ứng tích điện và hoạt động như một tấm chắn từ trường.
Nếu tất cả những vật liệu dẫn điện này tích tụ thành một lớp rác khổng lồ, chúng có thể bắt lấy hoặc làm chệch hướng toàn bộ hoặc một phần từ trường của chúng ta. Hãy tưởng tượng 100.000 hoặc nhiều vệ tinh hơn, cũng như rác thải của chúng, có thể gây nhiễu loạn từ trường thế nào.
Ngay cả khi chỉ tạo ra những nhiễu loạn tầng điện ly theo khu vực, chẳng hạn như trong các khu vực của các chuyến bay vũ trụ, thì cũng có thể gây ra các lỗ hổng phía trên tầng ozone. Điều này có thể làm xói mòn bầu khí quyển Trái đất theo thời gian, khiến nơi này có nguy cơ mất khả năng sinh sống.
Ngành công nghiệp vũ trụ gây hại cho sự sống
Quỹ đạo Trái đất tầm thấp đang được quảng bá như một "điểm đến và nền kinh tế" cho các vệ tinh và thậm chí cả các khách sạn trong không gian có trọng lực thấp. Những dự án kiểu này dường như liên tục "sắp ra mắt" và sau đó bị hủy bỏ.
Nhà vật lý plasma Sierra Solter cho rằng các công ty vũ trụ cần ngừng phóng vệ tinh nếu không thể cung cấp các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không gây hại cho tầng bình lưu và từ quyển.
"Những người như Elon Musk và Jeff Bezos liên tục tuyên bố rằng không gian là chìa khóa cho tuổi thọ của con người. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu ngành công nghiệp vũ trụ là phương tiện dẫn đến sự diệt vong của Trái đất? Và điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả sự ô nhiễm mà các doanh nhân không gian đang tạo ra chưa được nghiên cứu, không thể tiếp cận, đến mức chúng ta thậm chí không hiểu được rủi ro", ông đặt vấn đề.
Từ trường Trái đất giữ cho chúng ta sống sót và cần được bảo vệ hệt như môi trường Trái đất. Từ quyển là tuyến phòng thủ đầu tiên của Trái đất chống lại Mặt trời với rất nhiều rủi ro. Bất kỳ sự ô nhiễm nào của từ quyển cũng cần được nghiên cứu và giám sát chặt chẽ.
Nếu một tiểu hành tinh hướng về Trái đất, chúng ta sẽ kích hoạt hoạt động giám sát phòng thủ. Nhưng vì đó là vật thể do con người tạo ra tác động đến bầu khí quyển, nên chúng ta không hề giám sát.