Provimi Premixlà nhà máy sản xuất vi chất bổ sung cho thức ăn chăn nuôi hiện đại nhất châu Á của Cargill, với tổng số vốn đầu tư lên đến 28 triệu USD. Nhà máy này cung ứng các dòng sản phẩm bao gồm sản phẩm dinh dưỡng vật nuôi từ premix tiêu chuẩn đến gói giải pháp dinh dưỡng basemix; các loại chất bổ sung tăng cường sức khoẻ và đề kháng vật nuôi; hoạt chất đặc biệt phục vụ người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản và các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên cả nước.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Phạm Đức Thắng - Tổng Giám đốc ngành Dinh dưỡng Vật nuôi của Cargill Thái Lan & Việt Nam, về định hướng phát triển cũng như kế hoạch sắp tới của Cargill Việt Nam sau khi nhà máy Provimi Premix đi vào hoạt động.
- Được biết, quy mô diện tích của Nhà máy Provimi mới khai trương lớn gấp 9 lần nhà máy cũ. Với diện tích gấp 9 lần như vậy, công suất vận hành của nhà máy mới này lớn hơn nhà máy cũ ra sao, thưa ông?
Đây là nhà máy hiện đại nhất của Tập đoàn Cargill ở châu Á, có diện tích 30 nghìn mét vuông, rộng gấp 9 lần nhà máy cũ ở Thành phố Biên Hoà. Nhà máy mới sẽ có công suất 40 nghìn tấn/năm và tỷ lệ tự động hóa hơn 95%. Về mặt công suất thiết kế ban đầu, hoạt động mỗi một ca sẽ gấp đôi nhà máy cũ. Tuy nhiên nếu hoạt động đủ 3 ca thì gần như cao gấp 5, gấp 6 lần nhà máy cũ. Thực tế, công suất sẽ liên quan nhiều đến khu vực máy chính, sản xuất chính, đó là phần tháp chứ không tỷ lệ thuận theo diện tích. Nhà máy mới được xây rộng với nhiều công trình phụ trợ hơn.
Hiện nay 2 nhà máy vẫn đang làm việc song song, tới khoảng tháng 12 sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao từ nhà máy cũ sang nhà máy mới. Tổng công suất của nhà máy cũ khoảng 10-12 nghìn tấn/năm. Khi nhà máy mới hoạt động, nhà máy cũ sẽ được cho dừng, do đó công suất sẽ không chung nữa.
- Nhà máy mới Provimi dự kiến phân phối tỷ lệ phần trăm dành cho thị trường trong nước và xuất khẩu là bao nhiêu?
Nhà máy mới được thành lập nhằm phục vụ thị trường Việt Nam là chính, tuy nhiên, chúng tôi cũng có tham vọng xuất khẩu ra các nước trong khu vực. Theo tính toán và dự định ban đầu, khoảng 20% công suất sẽ phục vụ cho xuất khẩu và 80% phục vụ cho thị trường Việt Nam. Đó là một quá trình lâu dài vì công suất nhà máy rất lớn, không hạn chế năng lực xuất khẩu, cũng như phục vụ tại thị trường nội địa. Tùy theo tình hình và tiến độ phát triển thị trường, chúng tôi sẽ tăng lượng xuất khẩu lên dần.
Trong ngành sản xuất cám có 2 phần sản xuất chính: sản xuất cám tổng hợp (cám viên hoàn chỉnh để cho động vật ăn liền) và sản xuất sản phẩm dinh dưỡng để phục vụ cho sản xuất cám. Nhà máy Provimi mới chính là nhà máy sản xuất sản phẩm dinh dưỡng vật nuôi chuyên nghiệp, cung cấp sản phẩm đầu vào cho các nhà máy cám khác.
- Đối tượng khách hàng mục tiêu mà Provimi hướng tới là gì, thưa ông?
Đối tượng phục vụ của nhà máy này thứ nhất là là các nhà máy sản xuất cám khác, trong đó có những nhà máy sản xuất cám thương hiệu Cargill, cũng như các khách hàng thương hiệu khác trên thị trường.
Đối tượng thứ hai là những trang trại cực kỳ lớn. Những đối tượng này thường có năng lực tự trộn cám của họ. Để tự trộn, họ thường mua những thành phần dinh dưỡng cơ bản, vi lượng. Những nhà máy đơn giản thường không có năng lực sản xuất những thành phần này, họ phải mua qua nhà máy mới của chúng tôi. Thành phần dinh dưỡng là thành phần lõi của sản xuất cám hỗn hợp. Ví dụ để sản xuất cám hỗn hợp chứa 100% nguyên liệu thì có đến 70-80% các nguyên liệu khô (bắp, đậu nành, sắn, lúa mì…) rất dễ trộn vào. Tuy nhiên 20% lõi dinh dưỡng gồm có vi lượng, phụ gia, vitamin, khoáng… rất khó sản xuất. Vì vậy, nhà máy mới để sản xuất những sản phẩm vi lượng này.
Premix là hỗn hợp được trộn sẵn những sản phẩm vi lượng để các nhà máy khác trộn thêm các thành phần dinh dưỡng thô vào cùng. Premix chỉ là một phần. Ví dụ về sản phẩm Provisoy. Đây là loại đậu nành lên men được nấu chín sẵn qua một giai đoạn công nghệ đặc biệt để giúp đậu nành thô ban đầu trở thành sản phẩm dễ tiêu hóa hơn cho heo, đặc biệt là heo con. Đối với các nhà máy cám, thay vì trộn đậu nành thô thì họ trộn đậu nành đã được nấu chín và đã qua quy trình xử lý, giúp heo con, gà con, vịt con… có thể tiêu hóa tốt hơn. Đó là ví dụ về sản phẩm chuyên biệt, đặc thù.
- Ông có ngại khi nói về việc cạnh tranh trong thị trường không, khi thị phần của C.P. Việt Nam là 20%, còn Cargill Việt Nam là 10%? Cargill có chiến lược như thế nào để cải thiện vị thế của mình?
Để nói về thị phần thì còn phụ thuộc vào góc nhìn và biến động theo thời gian. C.P. có một mảng rất lớn về tự chăn nuôi. Họ có trang trại riêng, vừa sản xuất, vừa chăn nuôi và bán sản phẩm thành một chu trình khép kín. Trong khi đó, Cargill không tham gia lĩnh vực chăn nuôi. Do đó xét trên tổng thị trường thì C.P có thị trường rất lớn, nhưng chủ yếu là về mảng tự nuôi, có nghĩa là lượng heo gà vịt họ cung cấp do họ tự nuôi chiếm khá lớn. Nếu chỉ nhìn vào việc phục vụ các khách hàng chăn nuôi độc lập thì thị phần của Cargill cũng khá lớn, đứng thứ hạng cao trong ngành chứ không thua xa C.P.
Đối với Cargill, chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu phục vụ tốt khách hàng, còn thị phần là chuyện theo sau, chúng tôi không quá đặt nặng.
- Hiện nay mô hình liên kết trong gia công được nhiều đơn vị thực hiện hiệu quả. Cargill có dự định kết hợp chăn nuôi, đưa thức ăn chăn nuôi tới tận nơi sản xuất cho bà con hay không?
Về tiêu chí hoạt động của Cargill trong ngành dinh dưỡng vật nuôi, chúng tôi không chọn hướng tự nuôi mà giúp đỡ người nông dân nuôi độc lập làm sao đạt được hiệu quả chăn nuôi tốt nhất. Bên cạnh bán cám, chúng tôi có rất nhiều dịch vụ hướng dẫn cách nuôi, cách chọn giống, cách bảo vệ an toàn sinh học. Hàng năm, Cargill thực hiện rất nhiều đợt huấn luyện trực tiếp cho cả triệu người nông dân.
- Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam?
Mỗi năm, ngành chăn nuôi gia cầm, gia súc Việt Nam sẽ cần 20 triệu tấn cám hỗn hợp. Để sản xuất lượng cám hỗn hợp đó thì mỗi tấn đều cần đến 20% lõi dinh dưỡng. Và 20 triệu tấn đó sẽ chia ra cho một phần lớn nhà máy sản xuất cám, còn lại những trang trại lớn họ sẽ tự trộn.
Theo dự đoán, mỗi năm, lượng cám hỗn hợp sẽ tăng trưởng thêm 3-5% và tăng đều theo doanh số phát triển, theo kinh tế phát triển. Cho nên thị trường cám hỗn hợp sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Nhu cầu thứ hai là yêu cầu về sản phẩm ngày càng cao. Yêu cầu về mặt dinh dưỡng, công nghệ trong phần lõi dinh dưỡng ngày càng cao. Nhà máy Provimi đạt yêu cầu để đáp ứng những yếu tố kể trên. Lúc trước, việc trộn vi lượng khá đơn giản nhưng càng ngày, vì nhu cầu năng suất, phòng bệnh, trị bệnh, thay thế kháng sinh… cần rất nhiều những công nghệ mới. Nhà máy này đạt được năng lực sản xuất những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như vậy.
- Thời gian qua, thức ăn cho vật nuôi trở thành gánh nặng đối với người nông dân do tất cả đều phải nhập khẩu. Cargill có sử dụng nguyên liệu trong nước cho đầu vào nhằm giải quyết được bài toán này hay không? Việc sản xuất trong nước đóng vai trò như thế nào trong việc giảm áp lực chi phí?
Giá của nguyên liệu là một bài toán khó của toàn bộ ngành chăn nuôi trong nước và trên thế giới trong 2 năm qua. Tại Cargill, chúng tôi thực hiện hai việc:
Thứ nhất, tối ưu hóa sản phẩm. Về nguyên liệu, chúng tôi chọn nguồn nguyên liệu giá tốt nhất, nguyên liệu có hàm lượng dinh dưỡng đạt yêu cầu và sản xuất tại Việt Nam với giá rẻ hơn thì công ty sẽ ưu tiên sử dụng để tối ưu hoá chi phí giá thành.
Thứ hai, Cargill tăng hàm lượng công nghệ của sản phẩm lên nhằm tối ưu hiệu quả và năng suất, đảm bảo sản phẩm đứng đầu về chỉ số chuyển hóa thức ăn. Ví dụ, với cùng một con heo đó, cùng một giống vật nuôi, một kí lô cám của Cargill có hiệu suất chuyển hóa thành nhiều kí lô thịt nhất. Chúng tôi nỗ lực đưa ra các sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, tiết kiệm cho người nông dân nhất có thể.
- Cargill có áp dụng công nghệ như thế nào vào sản xuất và vận hành?
Cargill ứng dụng rất nhiều công nghệ vào sản xuất và vận hành. Một trong những công nghệ, tạm gọi là kỹ thuật số, Cargill có hai nhóm sản phẩm liên quan đến công nghệ này. Trong đó, một nhóm là sản phẩm phục vụ cho trang trại, tức là người nuôi, và nhóm thứ hai là những công nghệ kỹ thuật số để giúp về mặt quản lý sản xuất.
Về mặt trang trại, chúng tôi ứng dụng phần mềm quản lý, đơn cử như phần mềm Agriness – vốn được nông dân Mỹ ưa sử dụng. Theo đó, người chủ chỉ cần nhìn điện thoại ở mọi thời điểm cũng có thể biết được ở từng chuồng tình trạng con heo ra sao, ăn uông thế nào, năng suất, hiệu suất chăn nuôi như thế nào. Với từng lứa heo từ lúc mang thai tới lúc đẻ, từ trên điện thoại có thể biết được từng chuồng heo đẻ được bao nhiêu heo con, heo con lớn lên như thế nào, chuồng nào có hiệu suất thấp, lý do tại sao, rất nhanh chóng sẽ có đội ngũ kỹ thuật tới để chỉnh sửa quy trình chăn nuôi. Đó là một trong những công nghệ kỹ thuật số giúp chủ trang trại quản lý trại của mình một cách tự động mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, có rất nhiều phần mềm tiên tiến nhưng chưa phù hợp cho điều kiện nuôi ở Việt Nam, nhưng chúng tôi có thể sẽ nghiên cứu ứng dụng ở tương lai gần.
Các công nghệ để phục vụ cho sản xuất, cũng là một trong những dịch vụ Provimi cung cấp. Cargill cũng có những bộ sản phẩm/giải pháp giúp quản lý vận hành nhà máy cám từ nhiều yếu tố, từ việc sử dụng nguyên liệu và sản xuất sao cho tối ưu để ra được sản phẩm đúng theo yêu cầu và có nhiều bộ sản phẩm để phục vụ vận hành nhà máy. Ví dụ như nhà máy Provimi Premix chúng ta ngồi đây, mỗi ca sản xuất trực tiếp chỉ cần điều hành bởi 8 người để vận hành công đoạn sản xuất của nhà máy, với mức tự động hoá rất cao.
Ở một số khâu như kho bãi hay điều khiển xe nâng vẫn cần có người thao tác, nhưng vận hành, phần chính của sản xuất đã được tự động hoá hoàn toàn, do nhân lực trình độ cao điều khiển chứ không cần trực tiếp đứng máy.
Trên toàn cầu, chúng tôi có khoảng 300 chuyên gia, phát triển khoảng 80 giải pháp kỹ thuật số trong ngành dinh dưỡng và sức khoẻ vật nuôi. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi để có thể chuyển giao được thêm những công nghệ từ toàn cầu đưa cho về cho thị trường và người chăn nuôi tại Việt Nam.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!