Theo thông tin được công bố chính thức từ CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG), công ty mua dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn (quận 4, TP HCM) từ CTCP Đầu tư và Thương Mại Việt Tín, không liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR).
“QCG chưa bao giờ làm việc, chưa đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa liên quan đến việc nhận chuyển nhượng vốn góp”, QCG khẳng định.
Cụ thể vào năm 2013, QCG đã đàm phán, ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho Công ty Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện ký) để nhận chuyển nhượng 100% vốn của Công ty TNHH Phú Việt Tín - chủ đầu tư dự án 39 - 39B Bến Vân Đồn. Tổng giá vốn nhận chuyển nhượng do QCG chi trả theo thỏa thuận kèm hóa đơn, chứng từ là 464,2 tỷ đồng.
Tháng 8/2014, QCG nhận chuyển nhượng 79,2% vốn của Phú Việt Tín từ Công ty Việt Tín (do bà Lê Y Linh làm người đại diện) và 19,8% vốn từ CTCP Đầu tư và Thương Mại Việt Tín (do ông Đặng Phước Dừa đại diện). Tổng phần vốn nhận chuyển nhượng là 99%.
Tháng 9/2014, QCG nhận chuyển nhượng 1% vốn còn lại của Phú Việt Tín, trong đó Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai sở hữu 0,72% (tương đương 43,2 triệu đồng) và Công ty TNHH MTV Công ty Cao su Bà Rịa sở hữu 0,28%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Kê biên bất động sản của Quốc Cường Gia Lai để phục vụ điều tra giai đoạn 2 vụ án Trương Mỹ Lan 06/05/2024 - 15:43
-
Hai công ty thuộc Tập đoàn Tuần Châu, Quốc Cường Gia Lai phải nộp lại hơn 8.400 tỷ trong vụ Vạn Thịnh Phát 12/04/2024 - 14:52
QCG cho biết, việc nhận chuyển nhượng 1% còn lại “theo sự sắp xếp và đề nghị của ông Dừa, bà Linh, đại diện bên bán trên cơ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có văn bản thống nhất ý kiến về việc chuyển nhượng.
Trước khi thực hiện giao dịch này, QCG đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ và đúng quy định thì mới ký Hợp đồng để nhận chuyển nhượng”.
Theo kế hoạch ban đầu, QCG dự tính làm bến du thuyền kết nối từ dự án Bến Vân Đồn đến dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM) để đưa khách hàng đi tham quan dự án Phước Kiển.
Tuy nhiên, HĐQT đưa ra kế hoạch tài chính nếu tập trung dự án Phước Kiển thì dự án Bến Vân Đồn phải chậm lại, không thể đầu tư hai dự án cùng lúc. Do đó, HĐQT đã quyết định bán dự án Bến Vân Đồn.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc QCG, nói trong thông cáo báo chí: “Lý do bán rất tiếc, HĐQT nhận thấy tiềm năng của dự án Bến Vân Đồn nhưng phải hy sinh vì dự án Phước Kiển, bán để bớt gánh nặng về tài chính, tránh rủi ro cho công ty và cổ đông”.
Trả lời về việc giao dịch dự án Bến Vân Đồn có qua đấu giá hay không, QCG cho rằng “đó là pháp lý do cơ quan chính quyền và UBND TP quyết định về pháp lý của dự án theo từng thời kỳ trước đây 10 năm. Phòng pháp chế, luật sư của QCG xem xét pháp lý trước khi quyết định nhận chuyển nhượng 100% vốn góp với cơ sở có hai lần định giá công khai”.
Theo tài liệu do QCG công bố, ở lần định giá thứ nhất vào năm 2011, khu đất dự án Bến Vân Đồn với diện tích 5.780 m2 được định giá xấp xỉ 195 tỷ đồng.
Ở lần định giá thứ hai vào năm 2014, khu đất này được định giá lại còn hơn 186 tỷ đồng (tương đương 32,2 triệu đồng/m2). Đây là số tiền sử dụng đất chủ đầu tư phải nộp.