Kỹ năng sống

Quen nhau nhờ "quẹt phải" Tinder, cô gái Vĩnh Phúc "rủ" bạn trai bỏ việc thành phố về quê và lời đề nghị bán dao khởi nghiệp vốn 0 đồng

"Một ngày làm việc của mình rất đơn giản. Buổi sáng, hai vợ chồng lái xe về quê để cùng nhân viên đóng gói hàng hóa. Sau đó, mình tập trung tư vấn, trả lời khách hàng vào buổi chiều. Buổi tối là thời gian mình tập trung và sáng tạo nhất nên mình thường thiết kế ảnh, video, sáng tạo content và lên các chiến dịch marketing".

Đỗ Thu Thủy (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) hào hứng kể về công việc bán dao hiện tại của mình. Nhưng ít ai biết rằng, trước đó, cả chị Thủy và chồng, anh Vũ Đăng Khoa (29 tuổi), đều đã có những khoảng thời gian đấu tranh với chính nội tâm của mình: Có nên tiếp tục khởi nghiệp hay trở lại Hà Nội làm thuê, ngồi văn phòng điều hòa lạnh, cuối tháng nhận một khoản lương không?

Lời đề nghị "ngọt ngào" từ bạn trai mới quen

Chị Thủy từng là trưởng phòng dự án tại một công ty giáo dục trực tuyến tại Hà Nội, tuy nhiên, sau khi mẹ đẻ mất, chị cảm thấy tâm lý mình không ổn định và không thể ở lại Hà Nội được. Vì thế, để tiếp tục công việc hằng ngày, chị đều di chuyển hơn 100 km Vĩnh Phúc - Hà Nội để đến công ty buổi sáng và trở về nhà lúc tối muộn.

Chị tâm sự: "Ấy vậy mà có một ngày, sau khi bị sếp mắng, tự dưng mình thèm cuộc sống tự do ghê gớm. Mình ước được ở nhà nấu ăn, kiếm việc gì làm cũng được, miễn là không bị ai mắng, không bị ai dí deadline". Bạn trai Thủy, anh Khoa, khi ấy mới quen chị hơn 1 tháng qua app hẹn hò Tinder, liền an ủi: “Nếu muốn nghỉ việc thì cứ nghỉ, anh nuôi em được”.

Vậy là, chị Thủy nộp đơn xin nghỉ việc. Còn anh Khoa, cuộc sống đã ổn định, có nhà ở Hà Nội, đang làm ngân hàng nước ngoài, cơ hội rộng mở, sau đó cũng quyết định nghỉ việc, cùng bạn gái về quê Vĩnh Phúc lập nghiệp lại từ đầu. Khi ấy, bạn trai cũng tâm sự với Thủy, bố mẹ có xưởng rèn ở quê làm dao, anh muốn bán hàng của bố mẹ và đưa sản phẩm quê anh ra thị trường lớn hơn.

"Khi được chồng gợi ý bán dao khởi nghiệp, lúc đó chúng mình mới quen và yêu nhau được tầm 2 tháng. Thật lòng mà nói, mình không có nhiều niềm tin lắm vì bản thân mình không phải người quá "yêu bếp" để hiểu và tìm tòi về dao kéo. Khi về nhà bạn trai (chồng mình bây giờ), mẹ chồng có mang ra những con dao đen và hình thức khá xấu nên mình cũng lo lắng không biết làm sao để bán ra thị trường được những sản phẩm này", chị Thủy nhớ lại.

Bản thân chị từ khi còn học ĐH đến thời gian đó cũng chỉ tập trung ở mảng đào tạo nên kiến thức về bán hàng online, marketing… gần như bằng 0 nên cũng khá lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, nhìn thấy được sự cố gắng của anh Khoa muốn được giúp đỡ bố mẹ, chị Thủy cũng "tặc lưỡi" đồng ý.

Hành trình bắt đầu từ con số 0

Thời điểm cả hai bắt đầu bán dao là vào tầm tháng 5 năm ngoái, thời điểm miền Bắc bước vào mùa hè nắng nóng gay gắt. Sau khi xong các công việc cá nhân, cả hai chạy xe máy về quê cách nhà trọ chừng 20 km lấy dao, đi xuyên trưa nắng, tới 1-2h chiều mới được ăn cơm vì còn bận gói hàng, đi lấy hàng, chụp ảnh, quay video…

Chị cười vui vẻ: "Từ một cô gái tuyên bố chỉ đeo giày cao gót và mặc đồ công sở duyên dáng, hơn 1 năm nay mình chỉ đeo tông lào và mặc quần đùi cho mát. Người yêu và giờ là chồng yêu của mình, từ nhân viên ngân hàng giờ về quê làm ông giáo làng kiêm shipper cho vợ. Chúng mình đi lấy hàng bất kể ngày đêm, nắng nóng, mưa giông, sấm chớp cũng đi bất chấp. Có những hôm sấm chớp ghê quá, mình cứ vừa đi vừa niệm "Nam mô a di đà phật".

Quen nhau nhờ quẹt phải Tinder, cô gái Vĩnh Phúc rủ bạn trai bỏ việc thành phố về quê và lời đề nghị bán dao khởi nghiệp vốn 0 đồng - Ảnh 1.

Khó khăn vấp phải khi lần đầu khởi nghiệp, đối với cả hai vợ chồng anh Khoa chị Thủy, chắc hẳn là tài chính. Mặc dù đã được bố mẹ chồng mình hỗ trợ vốn rất nhiều nhưng ban đầu lượng dao bán vẫn còn ít nên doanh thu khá thấp. Thành thử ra, tâm trạng hai vợ chồng chị đôi khi cũng không được tốt. Đã có những lúc, chị cảm thấy tủi thân khi nhớ lại khoảng thời gian làm việc ở Hà Nội thu nhập tốt, muốn gì cũng mua được, còn hiện tại thu nhập giảm hẳn đi, tiêu gì cũng phải suy nghĩ, cân đo đong đếm...

Thời điểm quá áp lực tài chính cộng với việc kinh doanh khó khăn, cùng lúc hai vợ chồng chị nhận được nhiều lời mời tuyển dụng hấp dẫn quay trở lại Hà Nội, công việc tốt, mức lương cao, anh Khoa hỏi chị Thủy: "Liệu em có muốn quay lại cuộc sống trước đây không? Chứ anh thấy sống thế này em vất vả quá". Trong lòng suy tư nhiều nhưng với bản tính liều lĩnh, làm đến cùng, lì lợm, chị Thủy vẫn khẳng định không quay lại Hà Nội và quyết tâm bán dao tới cùng.

"Đêm đó mình đã khóc rất nhiều và luôn mở điện thoại ra xem những bức ảnh cũ, khi mình còn được mặc đồ công sở, được đi đây đi đó, được làm việc, họp hành và được mọi người ngưỡng mộ với cái mác "trưởng phòng" từ khi mới ra trường. Còn bây giờ thì sao? Chỉ là một cô gái 24 tuổi đi bán dao? Thu nhập thấp, suốt ngày lê la ngoài đường ship hàng, thậm chí mình còn không dám gặp họ hàng nhiều và cực cực kì tủi thân khi nhận được câu hỏi: "Đang làm nghề gì thế cháu?"", chị Thủy tiết lộ.

Thành quả ngọt ngào dành cho những nỗ lực không ngừng

Tuy nhiên, sau tất cả những khó khăn như vậy, chị luôn là người động viên và sốc lại tinh thần cho cả hai vợ chồng. Bản thân chị Thủy tìm đọc thêm những cuốn sách về những nhà khởi nghiệp tài giỏi, họ cũng đi từ con số 0, họ cũng nằm gai nếm mật, họ cũng từng từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu… và tự hỏi ngược lại bản thân: "Vậy tại sao mình lại không làm được khi mà hai đứa mình có sự hỗ trợ quá lớn từ bố mẹ ở phía sau?".

Chị khẳng định điểm chung tính cách của cả hai vợ chồng mình là đều chịu khó chịu khổ và kiên nhẫn để thực hiện cho bằng được mục tiêu đã đề ra. Vì thế, sự động viên, khích lệ bản thân như vậy rất có ý nghĩa với chị trên quãng đường nhiều thử thách. Bố đẻ của chị Thủy cũng giúp đỡ các con bằng cách đóng hộp sản phẩm. Bố mẹ chồng hỗ trợ vốn bán hàng 6 tháng đầu, sau đó toàn bộ tiền lãi đều được anh chị sử dụng quay vòng vốn để nhập hàng và phát triển công việc.

Quen nhau nhờ quẹt phải Tinder, cô gái Vĩnh Phúc rủ bạn trai bỏ việc thành phố về quê và lời đề nghị bán dao khởi nghiệp vốn 0 đồng - Ảnh 2.

Từ những đồng doanh thu đầu tiên, chị Thủy đăng ký học bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và thử chạy quảng cáo. Hễ cứ thấy ai bán hàng giỏi hay viết content hay, chị lại lân la bắt chuyện, xin góp ý và cố gắng học hỏi ở tất cả mọi nơi, bắt đầu những đêm thức trắng để chỉnh ảnh, viết content, suy nghĩ trăn trở để bán hàng, marketing cho thật tốt, rồi tới cách bọc hàng tiết kiệm giấy nilon bảo vệ môi trường, cải tiến mẫu mã, sản phẩm... hay làm sao để có chính sách chăm sóc khách hàng, hậu mãi thật chuyên nghiệp, tử tế...

Chị Thủy hạnh phúc chia sẻ: "Thu nhập của nhà mình hiện tại vô giới hạn vì doanh thu đến từ rất nhiều nguồn, dù không quá cao nhưng thật sự nó giúp hai vợ chồng mình có cuộc sống khá thoải mái, thích gì mua nấy, cứ đồ tốt mà chọn. Hiện tại cuộc sống của mình khá bận rộn và áp lực nên để nói có hài lòng không thì mình nghĩ chắc 70% là hài lòng. Mình vẫn muốn có thêm nhiều thời gian, sức khỏe, sự sáng tạo… để có thể làm việc và phát triển công việc nhanh, mạnh hơn nữa."

Trung bình mỗi con dao do thương hiệu của anh chị bán ra có giá từ 100.000 - 300.000 đồng/bộ, những bộ dao nhiều công năng hơn có giá 400.000 - 500.000 đồng/bộ. Trong vòng 2 tháng qua, nhờ có một bài viết chia sẻ viral trên MXH mà doanh thu của anh chị ổn định hơn, trung bình mỗi tháng là 200 triệu đồng.

Tiết lộ mục tiêu sắp tới của cả hai vợ chồng chính là thành lập thương hiệu dao kéo của riêng gia đình mình, nghiên cứu và cải tiến chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, chị Thủy cũng hi vọng tạo ra một trang web mà người mua có thể vào thiết kế những con dao họ mong muốn (kích cỡ, chất liệu, giá cả, công dụng, khắc tên…) và những con dao đó sẽ được bàn tay người thợ làng rèn "cân đo" tỉ mỉ, cẩn thận. Song song với việc hỗ trợ việc kinh doanh, chồng chị Thủy cũng có mở một trung tâm giáo dục ở quê và gia đình chị cũng đang chuẩn bị chào đón thành viên mới sau gần 1 năm về chung một nhà.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm