Phong cách sống

Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách tối giản và tiết kiệm

Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách tối giản và tiết kiệm - Ảnh 1.

Nguyễn Hương Giang (29 tuổi, sống tại Đồng Nai). Ảnh: NVCC.

Sống tối giản hay được hiểu là tối giản hóa cuộc sống: Là cách sống đơn giản, gọn gàng bằng việc tối ưu hóa và loại bỏ những thứ không cần thiết. Nghĩa là, bạn sẽ tiếp thu và dành sự quan tâm một cách có chọn lọc với các vấn đề xung quanh. Đồng thời, đánh giá mức độ quan trọng để bỏ đi hay giữ lại.

Sống tối giản không chỉ dừng lại ở việc tối giản không gian sống, công việc, cảm xúc, mối quan hệ… Trong tài chính, điều này bao gồm việc ít mang gánh nặng liên quan đến nợ hoặc khoản chi không cần thiết.

Sống theo chủ nghĩa tối giản trong thời gian dài sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống, chi tiêu và các mối quan hệ. Cũng giống như cách mà Nguyễn Hương Giang (29 tuổi, sống tại Đồng Nai) đang áp dụng.

1. Mục tiêu tài chính

Giang đang theo lối sống tối giản tức là ưu tiên trải nghiệm và chất lượng cuộc sống thay vì đề cao vật chất. "Tất nhiên, bây giờ có mấy người sống mà không cần tiền? Thế nhưng mà, nếu người ta đặt mục tiêu mua 1 ngôi nhà 5 tỉ thì mình chỉ cần nhà 1 tỉ, người ta cố gắng để mua xe hơi 3 tỉ thì mình chỉ cần đi xe máy 30 triệu thôi. Đó là ví dụ như vậy. Mình không mưu cầu quá nhiều. Mục tiêu nhỏ hơn thì cũng sẽ bớt bớt gánh nặng cho bản thân", Giang chia sẻ.

Cũng có thời điểm chính Giang bị stress quá nhiều về tình hình tài chính. Bởi mục tiêu Giang đề ra quá lớn, cứ mỗi ngày nhìn vào bảng cân đối thu chi và kế hoạch tài chính thì lại cảm thấy áp lực. Sau đó Giang điều chỉnh lại, thả lỏng bản thân và giảm mục tiêu một chút cho phù hợp thì tâm thái mới quay trở lại bình thường được.

Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách tối giản và tiết kiệm - Ảnh 2.

Giang thả lỏng bản thân và giảm mục tiêu tài chính một chút cho phù hợp thì thấy tâm thái thoải mái hẳn. Ảnh: NVCC.


2. Trả tiền cho bản thân đầu tiêu

Mỗi khi nhận lương cố định, Giang đều trích để vào tài khoản tiết kiệm đầu tiên (thường là 70% thu nhập từ lương). Sau đó mới sử dụng phần còn lại. Đó là quy tắc Giang thực hiện nhiều năm nay. "Kết quả từ cách làm này mang tới khá tốt. 3 năm trước mình ứng bớt 2/3 tiền lương của năm để góp vốn đầu tư bất động sản, qua 1 năm thực hiện cách trả tiền cho bản thân đầu tiên thì đã trả đứt được món nợ một cách nhẹ nhàng. Theo mình thấy: Điều quan trọng là chúng ta giữ lại được bao nhiêu chứ không phải là kiếm được bao nhiêu".

Trước đây, Giang cứ nghĩ mua quần áo, mỹ phẩm, đi ăn hàng, làm đẹp, mua này mua nọ là phục vụ bản thân. Điều đó cũng đúng. Nhưng mà đó là đang trả cho người bán đồ, spa, nhà hàng chứ không phải trả cho chính mình. Hiểu điều này rồi Giang mới thực sự toàn tâm toàn ý vào quy tắc này và cho tới nay, Giang vẫn đang tuân thủ để tạo ra những kết quả tốt.

Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách tối giản và tiết kiệm - Ảnh 3.

Mỗi khi nhận lương cố định, Giang đều trích để vào tài khoản tiết kiệm đầu tiên (thường là 70% thu nhập từ lương). Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: deepstash.com.


3. Tiêu dùng thông minh

Giang tiết kiệm, không phung tay vào những vật ngoài thân, nhưng với sức khỏe, gia đình và các mối quan hệ chất lượng, thì Giang hầu như không cân nhắc quá nhiều.

Ví dụ Giang mua thực phẩm sạch, gia vị sạch, mua các loại trà tốt cho sức khỏe, mua những đồ uống tốt cho gia đình và thỉnh thoảng tặng những món quà nhỏ cho những người bạn, người chị Giang quen. Những chi phí này thực ra chính là những khoản đầu tư Giang nghĩ ai cũng nên có.

Kế đến là những món đồ ngoài thân nhưng mua lại được cho Giang sự thoải mái, hạnh phúc thì Giang cố gắng chọn những món chất lượng tốt, có công năng sử dụng lâu dài. Ít đồ nhưng dùng được lâu vẫn tốt hơn là nhiều đồ mà vài ngày dùng là chán.

4. Tăng thu nhập

Giang đang sống (tạm gọi là thoải mái) nhưng bởi vì thích công việc bán hàng và mong muốn đem đến sức khỏe cho mọi người nên Giang chọn bán trà, món mà chính cô đang sử dụng mỗi ngày. Nhiều người vì đặt mục tiêu tài chính lớn, họ kiếm tiền bằng mọi cách. Giang thì ngược lại. Giang bán hàng rất nhàn nhã, những người khách hàng tới với Giang, tin tưởng sản phẩm. "Mình cũng mong dựa trên niềm yêu thích và giá trị mang lại cho người khác sẽ tự động đưa tới nguồn thu nhập thêm để làm những điều khác. Chứ không phải vì tăng thu nhập mà cứ ép mình làm những việc không mong muốn", Giang chia sẻ.

Quản lý tài chính cá nhân theo phong cách tối giản và tiết kiệm - Ảnh 4.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: today.com.

5. Cho đi

Giang vẫn hay âm thầm chuyển khoản ủng hộ những mảnh đời bất hạnh, những em bé bị bệnh hiểm nghèo. "Mình thu nhập 10 triệu thì vẫn có thể dành ra 200 nghìn để giúp người khác. Ai cũng giúp một tay thì đôi khi cũng đã giúp đỡ được rất nhiều người rồi".

Trên đây là cách Giang đang quản lý tài chính cá nhân cho bản thân. "Mình thấy sống tối giản chính là một cách để mọi người cảm thấy thoải mái hơn về tài chính". Nếu bạn cảm thấy hợp lý và hữu ích cũng có thể áp dụng theo. Quan trọng nhất vẫn chính là chúng ta giữ lại được bao nhiêu chứ không phải là kiếm được bao nhiêu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm