Thị trường kỳ vọng nâng hạng, hệ thống công nghệ mới sắp vận hành
Trong báo cáo hoạt động mới nhất, Pyn Elite Fund cho biết VN-Index tăng nhẹ 0,1% trong tháng 3, chủ yếu nhờ diễn biến tích cực của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC và VHM. Tuy nhiên, hiệu suất của quỹ giảm 2,7% trong tháng.

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục tại cuối quý I và cổ phiếu tăng/giảm nhất tháng 3. (Nguồn: Pyn Elite Fund).
Nếu tính từ đầu năm đến 8/4, hiệu suất quỹ ngoại đang âm 16,3%, chủ yếu do diễn biến tiêu cực của thị trường những phiên đầu tháng 4.

Hiệu suất của Pyn Elite từ đầu năm đến 8/4. (Nguồn: Pyn Elite Fund).
Theo các nhà quản lý danh mục, bối cảnh chung vẫn ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố kế hoạch toàn diện nhằm nâng hạng thị trường, trong đó một bước tiến quan trọng là việc đưa hệ thống công nghệ mới vào vận hành trong tháng 5.
FTSE cũng vừa công bố kết quả đánh giá phân loại thị trường Việt Nam và ghi nhận nhiều tiến triển tích cực. Lần đánh giá tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9, tạo kỳ vọng cho lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Về mặt chính sách, Chính phủ đang triển khai chương trình cải cách hành chính quy mô lớn, với mục tiêu cắt giảm một nửa số lượng đơn vị hành chính, nhằm tối ưu hóa bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Kinh tế vĩ mô duy trì đà phục hồi mạnh
Pyn Elite Fund ghi nhận GDP quý I của Việt Nam tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng cao nhất kể từ năm 2019. Tăng trưởng đến từ cả ngành sản xuất (+7,4%) và dịch vụ (+7,7%).
Ngành du lịch tiếp tục phục hồi với 6 triệu lượt khách quốc tế trong quý I, tăng 29,6% so với cùng kỳ và cao hơn 34% so với thời điểm trước đại dịch.
Trong lĩnh vực thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 102,8 tỷ USD (tăng 10,6%), trong khi nhập khẩu đạt 99,7 tỷ USD (tăng 17%). Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Gần đây, Chính phủ đã thực hiện các đợt cắt giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó một số sản phẩm đã được áp dụng mức thuế suất 0%. Tuy nhiên, đàm phán về mức thuế đối ứng 46% vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể.
Tự tin vào nội lực kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn
Trong thư gửi nhà đầu tư, Pyn Elite Fund bày tỏ quan điểm rằng mức thuế 46% mà Mỹ đề xuất sẽ gây áp lực ngắn hạn lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, quỹ vẫn duy trì niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng tỷ trọng đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ và xây dựng.
Ông Petri Deryng, nhà sáng lập Pyn Elite Fund, cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam ước đạt 405 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 137 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chiếm tới 72% tổng xuất khẩu, song giá trị gia tăng thực tế chỉ đóng góp khoảng 8% vào GDP sau khi loại trừ phần nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu.
"Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng trưởng trong năm 2025, bất chấp tác động từ chính sách thuế, nhờ vào chi tiêu công và tiêu dùng nội địa", ông Deryng nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm từ 20–25% trong năm nay.
Bên cạnh đó, Pyn Elite Fund vẫn đặt kỳ vọng vào một kịch bản đàm phán thành công giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt sau cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/4 vừa qua. Nếu đạt được thỏa thuận giảm thuế, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và trở thành điểm đến của dòng vốn chuyển dịch khỏi các cổ phiếu công nghệ Mỹ.