Hoạt động nằm trong chiến dịch "Phân bón Cà Mau cùng nhau san sẻ" trao tặng gạo đến các bếp ăn bệnh viện khu vực Tây Nam Bộ.
Theo đại diện doanh nghiệp, hiện tại giá lúa gạo đang tăng vọt, ảnh hưởng tới kinh phí hoạt động của các bếp ăn. Thấu hiểu điều đó và với truyền thống thực hiện an sinh xã hội, Phân bón Cà Mau đồng hành góp nguyên liệu để phần nào duy trì bếp ăn lâu hơn, phục vụ được nhiều bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh hơn.
Tại những bệnh viện này, bếp ăn yêu thương đã bền bỉ tồn tại nhờ đóng góp của mạnh thương quân và tâm huyết của những người sáng lập, như ông Mạch Phú Cường người đứng đầu nhóm thiện nguyện Hoa Sen. Tại bệnh viện Đa khoa Trung ương thành phố Cần Thơ, nhiều bệnh nhân đã nhận những bữa ăn từ ông cùng những người bạn đồng hành.
Khi được tặng gạo, ông Cường chia sẻ, bếp ăn do ông và vợ lập đầu năm nay, có rất nhiều người biết đến và tới phụ vợ chồng ông, người góp công người góp của để phục vụ các bữa ăn tới bệnh nhân nghèo. "Sự hỗ trợ lượng gạo lớn từ Phân bón Cà Mau sẽ giúp bếp ăn tiết giảm được nhiều kinh phí", ông nói thêm.
Anh Nguyễn Văn Khang (quận Cái Răng, Cần Thơ) là một bệnh nhân mắc bệnh gan đã nhập viện 10 ngày nay. Gia đình khó khăn khi bản thân làm phụ hồ nhưng không phải ngày nào cũng có việc, nay lại mắc bệnh và gánh chi phí điều trị đắt đỏ. Anh cũng không có gia đình riêng mà sống nhờ nhà em út đang lái xe tải. Từ lúc nhập viện, hàng ngày anh đều ra nhận cơm miễn phí từ bếp ăn để giảm phần nào chi phí.
"Cơm ở đây ngon lắm, đầy đủ chất dinh dưỡng, mà còn giúp tôi tiết kiệm chi phí. Bệnh nhân khó khăn như tôi vài chục nghìn mua cơm cũng quý", anh Khang chia sẻ.
Theo đại diện PVCFC, tinh thần tương thân tương ái từ lâu đã trở thành cảm hứng sống tích cực của các thành viên công ty. Điều này thể hiện qua những chương trình giáo dục, y tế suốt 12 năm qua. "Trong đó, Đồng bằng Sông Cửu Long luôn có ý nghĩa đặc biệt, là thị trường trọng điểm và nơi nhà máy đóng quân hoạt động. Chúng tôi sẽ còn kề vai, tiếp sức với nhiều chương trình nhân văn như thế", vị đại diện nhấn mạnh.