Kết quả nội soi đại tràng của ông Liêm tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho thấy đoạn đại tràng xuống có ba polyp kích thước 8-12 mm, đại tràng sigma (chỗ nối tiếp với trực tràng) có 4 polyp kích thước 6-8 mm. Bác sĩ nội soi cắt polyp, giải phẫu bệnh cho thấy ung thư biểu mô tuyến xâm nhập, tức tế bào ung thư đã xâm nhập sâu hơn lớp dưới niêm mạc.
Tương tự, chị Hoa, 35 tuổi, gần đây hay rối loạn tiêu hóa, nội soi phát hiện một polyp kích thước khoảng 8 mm ở đại tràng sigma. Kết quả sinh thiết là ung thư đại tràng giai đoạn sớm, khối u còn khu trú ở lớp niêm mạc (lớp trên cùng của đại tràng, gần với lòng ruột nhất) chưa có dấu hiệu di căn.
Ngày 21/4, BS.CK1 Đặng Lê Bích Ngọc, Trưởng đơn vị Nội soi Tiêu hóa, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết polyp đại tràng khá phổ biến, nguy cơ cao tiến triển thành ung thư nhưng đa phần người bệnh không biết bởi polyp thường không có triệu chứng ban đầu, tiến triển âm thầm.
Tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mỗi năm khoảng 12.000 người bệnh nội soi đại trực tràng, trong đó gần 7.500 người có polyp đại tràng chiếm tỷ lệ khoảng 63%. Nhiều trường hợp khi có triệu chứng như khó hoặc đi ngoài máu... nội soi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn trễ, polyp đã ác tính.
Để điều trị cho ông Liêm, bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại tràng xuống và đại tràng sigma chứa khối u. Khối u được lấy trọn ra ngoài, tế bào ung thư được triệt căn nên người bệnh không cần điều trị thêm, chỉ theo dõi sức khỏe định kỳ.
Chị Hoa được nội soi đại tràng qua đường hậu môn bằng ống nội soi mềm cắt tổn thương. Bác sĩ lấy hết khối u bằng phương pháp bóc tách dưới niêm mạc (ESD), bảo tồn đại tràng trong 30 phút. Chị không đau, xuất viện trong ngày và không cần điều trị bổ sung, duy trì tái khám và nội soi định kỳ theo lịch hẹn.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cho ông Liêm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Polyp đại tràng được chia thành hai loại phổ biến là polyp tăng sản (hyperplastic polyp) và u tuyến có nghịch sản (adenoma). Gần đây có thêm loại polyp răng cưa không cuống. Trong đó, polyp tăng sản kích thước nhỏ dưới 5 mm thường không có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, khối u này có nguy cơ hóa ác tính nếu kích thước từ 10 mm trở lên. Polyp u tuyến nguy hiểm hơn, trên 70% trường hợp ung thư đại tràng phát sinh từ các polyp u tuyến của đại trực tràng. Polyp u tuyến có khả năng biến đổi theo hướng ác tính dưới tác động của môi trường và gene người bệnh, theo bác sĩ Ngọc.
Trong quá trình nội soi, với sự hỗ trợ của các máy móc nội soi hiện đại như Olympus Evis X1 CV-1500 hoặc Fuji 7000, bác sĩ phân biệt các đặc điểm polyp, nhận diện polyp lành hay ác tính. Polyp có chân rộng hay không có cuống nguy cơ ác tính cao hơn so với polyp có cuống. Càng nhiều polyp (đa polyp) thì khả năng ác tính càng cao.
Để loại bỏ polyp đại tràng, bác sĩ nội soi thường dùng dụng cụ như kềm hay thòng lọng để bấm trọn hoặc cắt tổn thương. Polyp có kích thước bất thường hoặc ở những khu vực khó tiếp cận, bác sĩ có thể dùng các thủ thuật chuyên biệt hơn như cắt polyp bằng cách cắt hớt niêm mạc (Endoscopic Mucosal Resection - EMR), cắt tách dưới niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection - ESD). Đây là phương pháp ít xâm lấn, có thể triệt căn ung thư từ giai đoạn sớm. Nếu ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, người bệnh phải phẫu thuật, kết hợp điều trị đa mô thức như hóa trị, xạ trị, thuốc đích.
Bác sĩ Ngọc khuyên người bệnh có yếu tố nguy cơ cao như trên 45 tuổi, gia đình có người thân bị ung thư đại tràng, mắc bệnh di truyền liên quan ung thư đại tràng cần tầm soát. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường như tiêu máu, nhầy máu, mót rặn, táo bón thường xuyên, đau bụng kéo dài... người bệnh nên đi khám sớm.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |