Theo công bố của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ), quý II, công ty đạt 8.068 tỷ đồng doanh thu thuần và 367 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 81,1% và 64,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính riêng tháng 6 thì PNJ đạt 82 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 61% so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của PNJ đạt 18.210 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.088 tỷ; tăng 56,5% về doanh thu và tăng 48% về lợi nhuận so với nửa đầu năm ngoái. PNJ cho biết quý I năm nay ghi nhận sức mua hồi phục sau COVID-19 và thị trường mua sắm đầu năm sôi động. Tuy nhiên sang quý II, thị trường bán lẻ có sự suy giảm.
PNJ đã đạt khoảng 70,5% mục tiêu doanh thu và 82,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 6 tháng.
Về tăng trưởng doanh thu theo từng kênh, doanh thu bán lẻ lũy kế 6 tháng tăng 61,9% so với cùng kỳ. Doanh thu sỉ tăng 30,1% và doanh thu vàng 24K lũy kế 6 tháng tăng 65,6% so với cùng kỳ do nhu cầu khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát cao.
Biên lợi nhuận gộp lũy kế 6 tháng đạt 17,6% so với mức 18,6% cùng kỳ 2021 chủ yếu do sự tăng trưởng của doanh thu vàng 24K và thay đổi cơ cấu hàng hóa của kênh bán lẻ.
Tổng chi phí hoạt động nửa đầu năm tăng 45,9% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận gộp đạt 54,6%, giảm so với mức 55,6% cùng kỳ 2021.
Lũy kế 6 tháng, hệ thống PNJ đã mở mới 16 cửa hàng và nâng cấp 11 cửa hàng PNJ Gold; mở mới hai cửa hàng PNJ Style đồng thời đóng ba cửa hàng PNJ Gold và 6 cửa hàng PNJ Silver.
Tính đến cuối tháng 6, hệ thống PNJ có 351 cửa hàng độc lập bao gồm: 332 cửa hàng PNJ Gold, 8 cửa hàng PNJ Silver, ba cửa hàng CAO Fine Jewellery, 4 cửa hàng PNJ Style và một cửa hàng PNJ Watch cùng ba cửa hàng PNJ Art.
Đánh giá về triển vọng của ngành hàng trang sức, SSI Research đánh giá mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức trong 6 tháng cuối năm, nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau COVID-19, vì mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.
Năm 2023, các chuyên gia dự báo suy giảm kinh tế trên diện rộng sẽ gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng vàng, tuy nhiên tác động và mức độ kéo dài của lạm phát ở Việt Nam sẽ là những yếu tố quyết định đến chi tiêu của người có thu nhập cao đối với hàng hóa không thiết yếu như đồ trang sức. Do đó, nhu cầu trong năm 2023 được cho rằng khó có thể vượt mức trước COVID-19.
Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ trang sức đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K trong hai năm qua, nên các công ty hàng đầu như PNJ đã ghi nhận doanh thu vượt xa mức năm 2019. Do đó, trong năm 2023, doanh thu của PNJ được dự báo sẽ tăng trưởng so với giai đoạn trước đại dịch, mặc dù sẽ chậm lại so với mức tăng trưởng năm 2022.