"Tôi không bao giờ đóng tiền học phí "dài hạn" cho con"
Chị Phương Linh (37 tuổi, Hà Nội) có con đang học lớp 5. Hàng tuần chị đưa con đi học thêm các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Mới đây, đọc tin tức về các vụ việc ở hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders và trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN, TP.HCM), chị Phương Linh thầm cảm thấy những quyết định khi đóng học phí cho con của mình là chính xác.
"Tôi đầu tư cho con học thêm nhiều môn, từng ra nhiều trung tâm và được gợi ý mua khoá học dài hạn để được ưu đãi phần trăm nhưng tôi không đồng ý. Quy tắc của tôi là không bao giờ đóng học phí theo kiểu dài hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm... cho con. Những địa chỉ tôi chọn để con học thêm đều có thể đóng tháng một, hoặc đóng một cục dài hơn nhưng chỉ từ 3, 4 tháng đổ lại là cùng", chị Linh chia sẻ.
Theo bà mẹ này, dù con học ở đâu, hợp đến mấy thì trong quá trình học có thể xảy ra những sự cố không thể lường trước. Chẳng hạn, con chị từng học tại một trung tâm Anh ngữ nọ, học phí đóng 3 tháng/lần. Lúc đầu con rất thích nhưng về sau giáo viên yêu thích ở trung tâm của con nghỉ, giáo viên khác dạy thay và chuyên môn không tốt như cô cũ. Điều đó ảnh hưởng đến việc học của con. Lúc đó, gia đình đã phải tìm chỗ học khác.
Hay một người bạn đồng nghiệp của chị Linh từng đóng tiền học trước cho con tới 2 năm để được ưu đãi giảm 30% học phí. Tuy nhiên về sau gia đình người bạn chuyển chỗ ở, cách xa nơi con học thêm, gây bất tiện, mệt mỏi mỗi lần đi học. Dù sau đó, người bạn của chị Linh lấy lại được học phí nhưng cũng qua rất nhiều công đoạn, mất thời gian đi lại, xử lý đến cả 1 tháng trời.
"Không phải ai cũng may mắn như bạn tôi. Tôi biết một số trường hợp khi đòi lại học phí thì bị trừ một khoản lớn, thậm chí có trường hợp còn không đòi được. Vậy nên tôi kiên quyết không đóng dài hạn. Thật ra nghe đóng dài hạn được nhiều ưu đãi mình cũng mê chứ nhưng cẩn thận vẫn hơn. Những lớp học thêm mà con tôi học hiện tại, học vài tháng đầu thấy ổn, mình đóng tiếp, học tiếp. Nếu không ổn thì mình dừng lại", chị Linh cho hay.
Thông tin ông Nguyễn Ngọc Thủy, hay còn được biết đến với tên Shark Thủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup bị bắt tạm giam ngày 25/3 vì cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang gây xôn xao dư luận.
Trước đó, năm 2023, Shark Thủy bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Nhiều phụ huynh cho con theo học tại hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng phản ánh được yêu cầu đóng tiền học trước, tuy nhiên sau một thời gian, các trung tâm đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.
Nhiều phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk, Đà Nẵng khiếu nại chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em Apax Leaders, thuộc hệ sinh thái Egroup của ông Thủy vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, "bỏ rơi khách hàng" và yêu cầu hoàn trả học phí.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM vào ngày 26/2, số tiền học phí Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders đang nợ phụ huynh, tiền nợ lương giáo viên, tiền đóng bảo hiểm lên đến hơn 100 tỉ đồng.
Cụ thể, tổng số học sinh của các Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên địa bàn thành phố là 11.295 em, bao gồm số học sinh đang học trực tiếp là 839 học sinh. Số học sinh bảo lưu kết quả là 6.072 em, số học sinh rút học phí là 4.384. Số tiền học phí phải hoàn trả là khoảng 108 tỉ đồng trong đó đã trả 14,2 tỉ đồng, còn nợ lại 93,8 tỉ đồng.
Apax đề xuất phương án: “Từ tháng 1/2025 đến tháng 12/2025, mỗi quý trả 4 tỷ đồng, chia đều định mức cho phụ huynh đến khi hoàn thành, phần nợ còn lại chuyển tiếp sang năm sau. Từ tháng 1/2025: mỗi quý sẽ thanh toán 4,5 tỷ đồng cho đến hết”.
Mới đây, tại TP.HCM, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), do bà Nguyễn Thị Út Em làm Chủ tịch HĐQT trường cũng gây chú ý vì vụ việc 1.400 học sinh phải nghỉ học trong ngày 18/3 bởi hầu hết giáo viên không đến trường do bị nợ lương, bảo hiểm.