Bất động sản

[Photostory] Mặt bằng phố cổ ế ẩm ngày cuối năm, ngân hàng liên tục phát mại giá sốc

Kể từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, phân khúc nhà mặt phố tại TP Hà Nội từng có giai đoạn khởi sắc. Nhìn lại một năm trước, báo cáo của Bộ Xây dựng từng cho biết từ quý III/2022, mặt bằng bán lẻ nhà mặt phố Hà Nội tăng trưởng mạnh về nhu cầu thuê so với các quý trước đó, tỷ lệ lấp đầy luôn trên 95%.

Thời điểm hiện tại, ghi nhận của người viết cho thấy phân khúc này đang sụt giảm cả về giá thuê lẫn lực cầu trên thị trường.

Trên phố Bà Triệu, một số mặt bằng bị khách trả trước hạn do không kinh doanh được đang chào giá thuê thấp hơn 10% so với năm ngoái, dao động 130 - 450 triệu đồng/tháng.

Những mặt tiền kinh doanh nhỏ hơn, diện tích 50 - 60 m2, giá thuê hiện ở mức 55 - 84 triệu đồng/tháng, giảm 5 - 10% so với cùng kỳ.

Trên phố Lê Thái Tổ, một mặt tiền có vị trí đắc địa ngay Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị bỏ trống.

Hết thời hét giá trên trời, Phố Huế đắt đỏ nay cũng xuất hiện loạt thông báo cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng,...

Không khó để bắt gặp cảnh tượng hàng quán đóng cửa im lìm, treo biển cho thuê.

Một số tòa nhà cho thuê nguyên căn. Tuy nhiên, vì diện tích sử dụng lớn nên không dễ tìm khách thuê toàn bộ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tình cảnh tương tự diễn ra trên phố Lý Thường Kiệt, Lê Đại Hành, Trần Xuân Soạn, Điện Biên Phủ,...

Nhà mặt phố Trần Hưng Đạo với diện tích lớn giảm giá thuê xuống 150 - 460 triệu đồng/tháng. Các diện tích nhỏ 40 - 60 m2, giá thuê nhiều nơi giảm khoảng 10% so với năm ngoái, dao động 40 - 70 triệu đồng/tháng.

Theo Batdongsan.com.vn, có 2 lý do chính dẫn đến biến động tiêu cực ở phân khúc này. Thứ nhất, từ năm 2023, các dấu hiệu suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét, lạm phát gia tăng, sức mua suy giảm so với cùng kỳ.

Thứ hai, thị trường bất động sản lâm vào tình cảnh khó khăn từ cuối năm 2022 đến nay đã kéo theo thị trường nhà mặt phố Hà Nội cũng bị ảnh hưởng.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam lý giải, hiệu quả kinh doanh nhà phố giảm còn do thay đổi trong hành vi người dùng và cạnh tranh từ trung tâm thương mại. Thói quen mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến. Ước tính năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng gần 9% so với năm ngoái.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ quý II, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố đã có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả mặt bằng ngay ở các vị trí trung tâm thành phố lớn. Lý do bởi tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê cao.

Làn sóng suy thoái kinh tế khiến không ít cửa hàng phải tháo chạy khỏi khu vực trung tâm đắt đỏ để tìm đến địa điểm mới có mức giá thuê rẻ hơn.

Một mặt bằng bị trả trên phố Hàng Điếu do người kinh doanh chuyển địa điểm.

Bên cạnh thực trạng nhà mặt phố "cửa đóng then cài", năm vừa qua thị trường nhà đất phố cổ còn chứng kiến cảnh đất vàng Thủ đô được ngân hàng rao bán nhiều lần với mức giá giảm mạnh nhưng vẫn chưa có người mua.

Tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Agribank đã thông báo bán đấu giá căn nhà số 110 Hàng Buồm (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) - tài sản thế chấp cho khoản vay của Công ty TNHH AJMAL Việt Nam. Giá khởi điểm là 30,6 tỷ; giảm 3,4 tỷ so với lần thông báo đấu giá vào tháng 10; giảm gần 8 tỷ so với hồi tháng 6 và giảm khoảng một nửa so với hồi tháng 8/2022 (ở mức 60,5 tỷ).

Trước đó, giữa tháng 10, Agribank cũng thông báo bán đấu giá căn nhà số 19 Hàng Chiếu (quận Hoàn Kiếm) - tài sản thế chấp cho khoản vay của Công ty TNHH thương mại xăng dầu Đại Việt. Giá khởi điểm là 60 tỷ; giảm mạnh so với lần đầu rao bán hồi tháng 8/2022 với giá khởi điểm 107 tỷ.

Trong ảnh là căn nhà số 29 Hàng Thiếc (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm), bất động sản được Vietcombank thông báo bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 52 tỷ đồng hồi tháng 3. Thửa đất có diện tích 154m2; tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ có diện tích xây dựng 103,4m2, diện tích sàn 230m2. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm