Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chẩn đoán ông Cường mắc viêm phổi, hội chứng chồng lấp hen - bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Asthma-COPD Overlap - ACO). Đây là tình trạng người bệnh đồng thời có đặc điểm của hen phế quản (asthma) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đặc trưng của bệnh là gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn hồi phục và thường có đợt kịch phát cấp tính, mức độ nặng và kéo dài.
"Nếu không kiểm soát tốt, người bệnh có nguy cơ suy hô hấp, đáp ứng điều trị kém và nguy cơ tử vong cao hơn người chỉ mắc hen hoặc COPD", bác sĩ Ngân nói.
Ông Cường làm việc trong môi trường nhiều bụi mỏ lâu năm, do đó bác sĩ chỉ định chụp CT ngực để đánh giá tình trạng tổn thương phổi. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị giãn phế nang hai phổi và có một nốt mờ nhỏ ở thùy trên phổi trái, cấu trúc mờ, giới hạn không đều, bờ tua gai, nghi ngờ tổn thương ác tính. Bác sĩ sinh thiết xuyên thành ngực cho ông Cường và chẩn đoán ung thư phổi biểu mô tuyến.

Ảnh CT phát hiện có một nốt mờ nhỏ ở thùy trên phổi trái. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người bệnh có ho, khạc đờm kéo dài nhiều năm nên triệu chứng sớm của ung thư phổi có thể bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, theo bác sĩ Ngân. Tầm soát ung thư phổi giúp bác sĩ sớm phát hiện khối u, đưa ra hướng điều trị kịp thời.
Ông Cường mắc ung thư phổi còn có thể phẫu thuật đồng mắc ACO nên ca mổ gặp nhiều thách thức. Người bệnh ACO có đường thở hẹp, dễ co thắt khiến việc đặt nội khí quản và duy trì thông khí nhân tạo khó khăn. Nếu không chuẩn bị kỹ, bệnh nhân có nguy cơ thiếu oxy, ngừng tim trong quá trình gây mê phẫu thuật. Phổi có độ giãn nở kém, dung tích phổi thấp làm tăng nguy cơ suy hô hấp sau mổ. Viêm phổi mạn tính cũng khiến người bệnh dễ nhiễm khuẩn hậu phẫu. Nếu tình trạng ACO không được kiểm soát tốt trước mổ, nguy cơ gặp biến chứng gia tăng.
Ông Cường được điều trị đa mô thức gồm kháng sinh kiểm soát nhiễm khuẩn, thở oxy, điều trị triệu chứng ACO bằng thuốc giãn phế quản và corticosteroid, kết hợp vật lý trị liệu hô hấp. Ông được theo dõi sát đường huyết, huyết áp, chức năng gan nhằm ổn định toàn trạng trước ca mổ.
Sau một tuần, chức năng hô hấp của ông cải thiện, các chỉ số sinh tồn ổn định. Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt khối u và nạo vét hạch thành công cho người bệnh. Chẩn đoán sớm và điều trị tích cực cho người bệnh là yếu tố tiên quyết giúp cải thiện tiên lượng sống, theo bác sĩ Ngân.
Hậu phẫu, ông Cường tiếp tục được điều trị ACO bằng thuốc, theo dõi chức năng phổi, đồng thời tiếp tục vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hô hấp. 10 ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định, được xuất viện.
* Tên người bệnh đã thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |