Phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo các tập đoàn Bắc Âu đang đầu tư tại Việt Nam, diễn ra ngày 12/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước cùng hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp FDI, qua đó vươn mình, từng bước tiến ra "sân chơi" của thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng song cũng định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo ra sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Hiện Việt Nam đang ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô tô điện...; công nghệ lõi tiềm năng như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế; nông nghiệp công nghệ cao…
Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công - tư, bao gồm cả hợp tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới; khuyến khích sản xuất xanh, hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.
Với khu vực Bắc Âu, Phó Thủ tướng mong muốn các các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam; chủ động có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, nắm bắt cơ hội, mở rộng hợp tác đầu tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng.
Cùng với đó, đóng góp ý kiến, tham mưu với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Bắc Âu thúc đẩy một số định hướng hợp tác mà các doanh nghiệp khu vực Bắc Âu có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Tài chính - ngân hàng, các ngành công nghiệp xanh, giáo dục đào tạo, y tế…
Ngoài nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, Phó Thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp Bắc Âu cùng hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nghề, trong đó Việt Nam đào tạo phần cơ bản, còn các doanh nghiệp đào tạo chuyên sâu để đáp ứng tốt nhất mong muốn của nhà đầu tư.
Về nhân lực cho ngành bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030; đã và đang liên kết đào tạo với những trung tâm đào tạo lớn và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư thành công tại Việt Nam như Samsung, LG, Intel…
Về cung cấp điện và giảm phát thải, Phó Thủ tướng khẳng định không thiếu điện và Việt Nam đang nỗ lực điều chỉnh cơ cấu nguồn điện theo hướng nâng tỉ lệ của năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cam kết cung cấp đủ và không gián đoạn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho biết từ một quốc gia không đủ lương thực cách đây 40 năm, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt trong năm 2023, Việt Nam đạt "kỳ tích" khi giá gạo xuất khẩu cao nhất thế giới, lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 8,6 triệu tấn, trị giá hơn 4 tỷ USD.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định mong muốn lớn lao nhất của Việt Nam là khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, Việt Nam phát triển và các nhà đầu tư có lợi nhuận. Đồng thời, mong muốn lớn lao hơn là các doanh nghiệp trong nước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI để phát triển.