Bão lớn, ảnh hưởng tới đâu?
Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp với các bộ, ngành và các địa phương về ứng phó với bão số 3.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia cho biết, chiều nay, bão số 3 đang ở trên khu vực phía Bắc của Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.
Theo ông Khiêm, đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Hiện, các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Khoảng đêm 6/9 bão sẽ vượt qua khu vực phía bắc đảo Hải Nam đi vào vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người, trong đó có 1.543 tàu/10.045 người đang hoạt động trên khu vực vịnh Bắc Bộ biết thông tin và đang di chuyển tránh trú.
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9; Ninh Bình cấm biển từ 13h hôm nay.
Theo ông Luận, thống kê cho thấy, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.100ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thuỷ sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14, giật cấp 17.
Ngoài ra, hiện còn 2.231 du khách trên các đảo (Quảng Ninh 154 người, Hải Phòng 2.077 người) đã nhận được thông tin về bão và chủ động phương án ứng phó.
Về hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, ông Luận cho hay, có 3 hồ cao hơn mức trước lũ, riêng hồ Hòa Bình cao nhất, khoảng hơn 1m. Cả 3 hồ đang cho xả đáy để ứng phó bão.
Trước sức gió giật có thể đến cấp 14, hệ thống đê điều có thể gặp vấn đề. Đặc biệt, TP Hải Phòng là địa phương có nhiều điểm đê xung yếu nhất trong đợt bão này – 10 điểm. Do đó, địa phương cần sớm có phương án tu bổ điểm xung yếu, đồng thời tăng cường nạo vét kênh, mương, hệ thống tiêu thoát nước.
Ông Luận lưu ý, hiện có tình trạng lơ là, chủ quan với ứng phó bão ở một số bộ phận người dân, địa phương. Ông đề nghị các địa phương kêu gọi bà con kiên quyết không ở lại lồng bè khi có bão đổ bộ vào bờ.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình cho biết, đã thành lập các đoàn công tác xuống hiện trường để kiểm tra công tác phòng chống bão. Đáng chú ý, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lại là khu trung tâm của kinh tế, công nghiệp
Lãnh đạo TP Hải Phòng cho hay, trên địa bàn có nhiều kho bãi chứa container tại các cảng. Thành phố đang rà soát, kiểm tra các kho bãi ở những khu cảng thuộc quận Ngô Quyền, Hải An, để yêu cầu chủ hàng hạ thấp độ cao, tránh việc container bị đổ, gây mất an toàn.
Nêu cao tinh thần phòng ngừa
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm, Đồng bằng sông Hồng lại đón 1 cơn bão lớn. Ông đề nghị các cơ quan và đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.
Tại Hà Nội, các cơ quan địa phương cần khẩn trương vào cuộc để chuẩn bị tốt các biện pháp nhằm tránh tổn thất các hạ tầng sản xuất và các vùng trọng điểm.
Tại các tỉnh và thành phố, cần có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người dân. Các tỉnh cần sớm kiểm tra các điểm tránh trú bão của tất cả bà con địa phương, quân đội và sự an toàn của du khách.
Riêng tỉnh Quảng Ninh, vùng khai thác than hầm lò nhiều, dễ bị tác động của bão, ông Hoan đề nghị tỉnh làm tất cả những việc có thể làm để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ở kịch bản xấu hơn, Quảng Ninh cần bố trí đủ lực lượng cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng khắc phục hậu quả.
“Với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là cơn bão mạnh, liên tục được bổ sung năng lượng nên càng mạnh hơn. Từ hôm qua đến nay, bão liên tục tăng mấy cấp khi vào khu vực Biển Đông, do đó tất cả các bộ, ngành, địa phương hệ thống chính trị cần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, không được chủ quan.
Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chuyên môn tăng cường thông tin dự báo, có trao đổi thường xuyên với các nước và đưa ra cảnh báo một cách gần gũi cho người dân.
“Với cấp gió 12, cần giúp người dân mức độ ảnh hưởng sẽ thế nào; có thể khiến mái nhà hay tàu thuyền bị lật đổ, để phòng tránh. Hay cấp 15, 16 sẽ ra sao, không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc”, Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão; đồng thời cần gấp rút làm bản đồ về lũ, gửi cho địa phương, tránh ảnh hưởng đến các công trình giao thông.
"Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 công điện chỉ đạo với các nhiệm vụ hết sức cụ thể. Các địa phương, đơn vị ở mỗi cấp cần phải tập trung vào hành động, làm tốt nhiệm vụ của mình. Thời điểm này nước sôi lửa bỏng trên biển. Nhưng trong những giờ tới, trách nhiệm của các đơn vị cần phải thể hiện. Cả hệ thống chính trị ở các cấp cần phải nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại của bão gây ra. Nếu nơi nào lơ là dẫn tới thiệt hại lớn phải quy rõ trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.