Giữa tháng 7, Văn Long (Hà Đông, Hà Nội) phải xin nghỉ làm giữa buổi vì nhận được điện thoại của hàng xóm. "Nước ngập khiến còi báo động trên cửa kêu liên tục. Các gia đình xung quanh không chịu nổi và yêu cầu tôi về xử lý", anh Long cho hay.
Đơn vị sửa chữa cho biết nguyên nhân nằm ở bộ phận chống kẹp (bộ tự dừng) - thiết bị có mặt ở hầu hết loại cửa cuốn, giúp tránh kẹp phải người, vật nuôi, chướng ngại vật. Thông thường, cửa chỉ phát còi báo động khi vướng vào vật thể lạ, không thể đóng lại hoàn toàn. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước khiến thiết bị này bị lỗi, dẫn đến báo động sai. Anh Long đành phải nhờ thợ tháo bộ phận này.
Tương tự, Chu Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng từng giật mình vì cửa cuốn tự mở sau cơn mưa lớn. Khi đi làm về, ngõ nhà chị bị ngập ngang đầu gối và chị phát hiện cửa cuốn kéo lên gần 40 cm dù không ai can thiệp.
"Người lạ hoàn toàn có thể chui vào nhà tôi qua kẽ hở này", chị Linh nói.
Tương tự trường hợp của Văn Long, thợ sửa khuyên nên loại bỏ bộ phận chống kẹp để hạn chế sự cố tiếp tục xảy ra trong mùa mưa. Do còn thời hạn bảo hành, chị không mất thêm chi phí tháo lắp.
Không chỉ Văn Long và Chu Linh, trong các nhóm tư vấn lắp đặt cửa cuốn trên mạng xã hội, sau những trận mưa lớn, nhiều người cũng than phiền vì lỗi phát sinh khi ngập nước. Một số cho biết cửa xuất hiện tình trạng di chuyển giật cục dù sử dụng điều khiển từ xa lẫn điều khiển cầm tay. Có trường hợp của đứng im, không thể lên xuống cho đến khi nước rút.
Thiết bị an toàn nhưng gây mất an toàn?
Theo ông Đinh Văn Hùng, chủ một cửa hàng phân phối thiết bị cửa cuốn trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), các sự cố chủ yếu xuất phát từ bộ tự dừng.
"Phần lớn chi tiết điện quan trọng của cửa cuốn được lắp đặt trong hộp kỹ thuật ở trên cao. Riêng phần rơle tự động của bộ tự dừng lắp dưới thấp trong nan đáy. Nước ngập sẽ ảnh hưởng đến thiết bị này", ông nói.
Ở điều kiện khô ráo, rơle sẽ đóng lại khi cửa kẹp vào vật lạ. Dòng điện truyền theo nẹp kim loại trong thanh dẫn hướng hai bên cửa khiến mạch được nối thông. Lúc này, bộ điều khiển trên cao ra lệnh cho cửa không tiếp tục đi xuống, đồng thời kích hoạt còi báo động. Hệ thống hoạt động nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dùng.
Theo ông Hùng, nước ngập là nước bẩn, chứa nhiều tạp chất và có khả năng dẫn điện. Nước dâng làm mạch trong bộ tự dừng nối thông, khiến cửa nhầm là đang gặp vật cản, gây báo động giả.
Với trường hợp cửa tự kéo lên ở nhà Chu Linh, ông Lê Quang Nguyên, thợ lắp cửa cuốn tại Hà Đông, giải thích ngoài ngập nước, một nguyên nhân khác là do cách thiết lập cơ chế an toàn trên cửa. Thay vì chỉ dừng lại khi gặp vật cản, một số cửa sẽ đảo chiều chuyển động và đi ngược lên để người hoặc vật nuôi bị kẹp phía dưới có cơ hội thoát ra. "Cơ chế an toàn lại gây mất an toàn vì ngập nước", ông nói.
Ngoài ra, tín hiệu từ bộ tự dừng sẽ chi phối hoạt động của cửa cuốn, nên có thể xuất hiện tình trạng gia chủ không thể điều khiển cửa di chuyển như ý muốn.
Chưa có cách giải quyết triệt để
Ông Vũ Đức Minh, kỹ sư chuyên ngành cơ - điện tử, cho biết bộ phận chống kẹp đang được dùng phổ biến trên cửa cuốn là loại thiên về cơ học. Phía nhà sản xuất cũng đã giới thiệu một số bộ tự dừng ứng dụng công nghệ không dây hoặc sóng hồng ngoại. Dù vậy, không có gì đảm bảo thiết bị điện tử thay thế sẽ hoạt động ổn định dưới nước.
Một số đơn vị lắp đặt cửa cuốn cho biết chưa có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng lỗi vì ngập. Phương án loại bỏ bộ tự dừng chỉ là giải pháp tạm thời và tiềm ẩn nguy cơ vì dưới sức nặng của nan cửa và sức đẩy của môtơ, người và vật nuôi nếu bị kẹp sẽ rất khó thoát ra. Người dùng được tư vấn nâng ngưỡng cửa hoặc nền nhà để mạch điện của bộ tự dừng không tiếp xúc với nước. Tuy nhiên, cách làm này có chi phí cao, gây mất thẩm mỹ hoặc khó khăn khi ra vào.