Chứng khoán

Phe bán khống hứng lỗ nặng khi thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ phục hồi

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: AP). 

Bằng cách nào đó, nửa đầu năm tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ đã biến thành cuộc thảm sát đối với những tay bán khống. Đau đớn tăng lên gấp bội trong ngày 19/7, khi chỉ số S&P 500 đi lên 2,8% và các tay bán khống chịu lỗ gấp đôi con số này.

Khoảng 98% số cổ phiếu thuộc S&P 500 tăng giá trong phiên vừa rồi, đánh dấu cuộc phục hồi trên diện rộng nhất kể từ tháng 12/2018. Theo rổ cổ phiếu Goldman Sachs theo dõi, các cổ phiếu bị coi thường nhất bật tăng 5,5%, buộc các tay bán khống phải đóng vị thế để cắt lỗ.

Trong tháng 7, rổ cổ phiếu bị bán khống nặng nề nhất nhảy vọt 16%. Tháng đầu tiên của nửa cuối năm 2022 đang trở thành giai đoạn tồi tệ nhất với phe bán khống kể từ cơn sốt GameStop hồi tháng 1/2021.

Chứng khoán Mỹ hồi phục sau khi chạm đáy vào giữa tháng 6.

Một số áp lực đè nặng lên chứng khoán trong thời gian qua đã dịu bớt, ví dụ như đà tăng mạnh của đồng USD hay khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Chứng khoán Mỹ bật tăng rõ rệt trong cùng ngày một cuộc khảo sát lớn về các nhà quản lý quỹ cho thấy nhà đầu tư đã “từ bỏ hoàn toàn” việc gỡ gạc lại thua lỗ từ cổ phiếu.

Tâm lý trên thị trường đã xấu đi đáng kể trong năm nay do nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc chiến với lạm phát của Fed sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Khảo sát các nhà quản lý quỹ hàng tháng của Bank of America cho thấy tỷ lệ phân bổ danh mục cho cổ phiếu đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001.

Ông Mark Freeman, Giám đốc đầu tư của Socorro Asset Management đánh giá tâm lý ngại rủi ro cực đoan có thể là nền tảng cho cuộc phục hồi vừa rồi.

Ông nói thêm: “Vị thế của các nhà quả lý quỹ đã trở nên cực kỳ phòng thủ để chuẩn bị cho lúc thị trường tiếp tục đi xuống. Nhưng nếu thị trường phục hồi thì có nguy cơ họ bị thua kém so với mặt bằng chung. Các khoản bán khống đang làm giảm hiệu suất đầu tư và những nhà quản lý này không có đủ vị thế mua để bù đắp nên họ buộc phải mua vào”.

Bán khống là hành động đi vay cổ phiếu và bán ở thời điểm hiện tại rồi đi mua cổ phiếu để trả lại trong tương lai. Nếu giá giảm như kỳ vọng, giá mua vào sẽ thấp hơn giá bán ra ban đầu và người bán khống sẽ có lãi. Nếu giá tăng, bên bán khống sẽ bị lỗ. Người bán khống có thể đóng vị thế và cắt lỗ bằng cách đi mua cổ phiếu để trả lại hàng đã vay.

 

Nhìn chung trong thời gian gần đây, các cổ phiếu càng bị bán khống mạnh thì lại tăng giá càng cao. Trong số các thành viên của chỉ số Russell 3000, trung bình top 5 cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất đi lên 4,3%, còn nhóm bị bán khống ít nhất tăng 3%, theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp. 

Đây là một bước ngoặt bất ngờ đối với phe bán khống, những người vừa thu được lợi nhuận tốt nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 khi chứng khoán Mỹ rơi vào thị trường gấu trong nửa đầu năm. Được khích lệ bởi thành công hiếm hoi trong cả chục năm, phe bán khống nhanh chóng tăng cường vị thế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các quỹ đầu cơ đã tăng các khoản đặt cược cổ phiếu giảm giá với tốc độ nhanh nhất trong hơn 9 năm qua, theo dữ liệu từ Golman Sachs.

Việc đặt cược vào sự tiếp diễn của cảnh bán tháo trên thị trường đã giúp các quỹ đầu cơ đánh bại thị trường trong năm nay. Tuy nhiên, tâm lý bi quan này lại làm giảm hiệu suất đầu tư khi tâm lý trên thị trường đổi chiều. Nếu sử dụng vị thế trong các hợp đồng tương lai làm chỉ báo, thì phe bi quan sẽ còn phải đóng nhiều vị thế bán khống nếu cuộc phục hồi hiện nay kéo dài.

Dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai do Deutsche Bank tổng hợp cho thấy các nhà quản lý tài sản và quỷ sử dụng đòn bẩy đang nắm giữ vị thế bán khống kỷ lục.

Theo ước tính từ chuyên gia Charlie McElligott của Nomura thì trong tuần vừa rồi, các cố vấn giao dịch hàng hóa – những quỹ sử dụng cả vị thế mua và bán khống trên thị trường tương lai – đã mua 33 tỷ USD cổ phiếu để trả lại hàng và đóng vị thế bán khống.

Ông Michael O’Rourke, Giám đốc đầu tư tại JonesTrading thì không tin rằng cuộc phục hồi hiện nay có thể kéo dài lâu. Không kể phiên 19/7 thì chứng khoán Mỹ đã có ba cuộc phục hồi đáng kể trong năm nay, nhưng tất cả đều kết thúc trong sự suy sụp.

Ông O’Rourke nói: “Sự phục hồi rõ rệt của thị trường cổ phiếu sẽ là hợp lý nếu định giá ở mức hấp dẫn, hoặc lực cản kinh tế tan biến, hay Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thay đổi đường lối chính sách tiền tệ. Nhưng chưa một tiêu chí nào được đáp ứng, và có vẻ còn lâu mới được đáp ứng”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm