Doanh nghiệp

Petrovietnam đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tóm tắt:
  • Ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững.
  • Petrovietnam đang tái cấu trúc với ba trụ cột chiến lược: năng lượng, công nghiệp và dịch vụ.
  • Tập đoàn mở rộng sang năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời để đảm bảo an ninh năng lượng.
  • Petrovietnam áp dụng tiêu chuẩn quốc tế GRI để minh bạch trong phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
  • Công ty đầu tư vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên mới.

Chiều ngày 23/4, trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do báo Dân trí tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chia sẻ định hướng chiến lược của tập đoàn trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ nhằm thích ứng với xu thế phát triển bền vững toàn cầu.

Petrovietnam đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - 1

Ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên HĐTV Petrovietnam - tham luận tại diễn đàn.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và ngành năng lượng đối mặt với nhiều biến động sâu sắc, việc đổi mới mô hình tăng trưởng không còn là một lựa chọn, mà là đòi hỏi tất yếu đối với các tập đoàn kinh tế, trong đó có Petrovietnam. Những thách thức từ sự cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến động giá dầu, áp lực từ yêu cầu bảo vệ môi trường và sự dịch chuyển toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch đang đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới.

"Việc tích hợp các yếu tố ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chìa khóa để Petrovietnam nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng linh hoạt và phát triển bền vững", ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nhận thức rõ những giới hạn của mô hình tăng trưởng truyền thống, Petrovietnam đã và đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ theo hướng tập đoàn công nghiệp - năng lượng với 3 trụ cột chiến lược là năng lượng - công nghiệp - dịch vụ.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, trụ cột năng lượng không chỉ bao gồm hoạt động khai thác, chế biến dầu khí truyền thống mà còn mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân, hydro xanh... Điều này thể hiện quyết tâm của Petrovietnam trong việc đồng hành cùng xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Petrovietnam đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới - 2

Petrovietnam phát triển theo hướng tập đoàn công nghiệp - năng lượng với 3 trụ cột chiến lược là năng lượng - công nghiệp - dịch vụ.

Trụ cột công nghiệp tập trung vào các lĩnh vực như lọc hóa dầu, sản xuất nhiên liệu, hóa chất thân thiện môi trường, thiết bị năng lượng, khai thác khoáng sản... nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm và góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trụ cột dịch vụ bao gồm các dịch vụ kỹ thuật dầu khí, dịch vụ tài chính, logistics, công nghệ và đào tạo được Petrovietnam xác định là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, từ năm 2015, Petrovietnam đã công bố Báo cáo phát triển bền vững thường niên theo tiêu chuẩn quốc tế GRI, thể hiện cam kết minh bạch và trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Trong lĩnh vực môi trường, Petrovietnam chú trọng các giải pháp giảm phát thải, quản lý chất thải, phục hồi sau khai thác, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng dụng công nghệ sản xuất sạch. Bên cạnh đó, Tập đoàn đang đầu tư vào các công nghệ xanh như thu hồi và lưu trữ carbon (CCUS) nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Về mặt xã hội, Petrovietnam ưu tiên xây dựng môi trường làm việc an toàn, bình đẳng và đa dạng, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động cộng đồng tại các địa phương có dự án của tập đoàn và các địa phương trên cả nước.

Trong công tác quản trị, Petrovietnam liên tục cải tiến hệ thống quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và minh bạch, nâng cao vai trò giám sát của HĐTV và các cơ chế kiểm soát nội bộ.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan rộng, Petrovietnam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng trọng yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập đoàn đã và đang đầu tư mạnh vào các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), đồng thời triển khai chương trình 10 công nghệ chiến lược và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở kết nối với mạng lưới quốc gia, quốc tế.

"Chuyển đổi số được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay. Việc ứng dụng đồng bộ công nghệ số giúp Petrovietnam tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng điều hành", ông Phạm Tuấn Anh cho biết.

Hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Petrovietnam xác định vai trò tiên phong trong tiến trình chuyển đổi xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng quốc gia.

"Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam cam kết tiếp tục tích hợp toàn diện các yếu tố ESG, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số vào chiến lược phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới", ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh

Các tin khác

CADIVI – 50 năm cùng Việt Nam vươn cao

Năm 2025, Công ty Cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam (CADIVI) tự hào bước vào cột mốc quan trọng: 50 năm hình thành và phát triển. Đây là hành trình dài nửa thế kỷ, không chỉ là câu chuyện về sự vươn lên của một thương hiệu, mà còn là hành trình của niềm tin, khát vọng và tầm nhìn không ngừng mở rộng. Từ một xưởng sản xuất nhỏ bé vào tháng 10/1975, CADIVI đã trở thành tên tuổi hàng đầu trong ngành dây và cáp điện tại Việt Nam, đồng thời khẳng định mình trên trường quốc tế.

Vì sao lợi nhuận của Sabeco rơi về mức thấp nhất 14 quý?

Cạnh tranh gia tăng, tác động của Nghị định 168 và việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tập đoàn Bia Bình Tây sau khi hợp nhất,... là các nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Sabeco rơi về mức thấp nhất kể từ quý IV/2021.

Từ ngã rẽ đau thương đến khát vọng vươn mình - Bài 4: Tiến về Dinh Độc Lập

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh , các cánh quân của ta từ nhiều hướng tiến về Sài Gòn, mà ở đó điểm đến quan trọng nhất là chiếm lĩnh Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, hai chiếc xe tăng đầu tiên mang số hiệu 390 và 843 của Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.