Theo ông Bảo, các công ty lớn trên thế giới đều dựa trên nền tảng công nghệ để phát triển định hướng kinh doanh, tăng tiện ích cuộc sống người dùng. Việt Nam đang từng bước thay đổi và ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận các sản phẩm công nghệ thông minh của thế giới để phát triển kinh tế tri thức.
Tân phó chủ tịch TSS cho biết trung tâm xác định mục tiêu trở thành tổ chức dẫn dắt doanh nghiệp phát triển trên nền tảng blockchain. Đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực gồm: nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; dịch vụ khoa học và công nghệ về số hóa tài sản, quản lý tài sản số. Cùng với đó, trung tâm sẽ kết nối giúp doanh nghiệp toàn quốc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, số hóa tài sản, tạo tiền đề hòa nhập xu thế toàn cầu. TSS cũng sẽ hỗ trợ công nghệ, giải pháp, nền tảng cho quản lý tài nguyên số, tài nguyên mã hóa trong thời kỳ chuyển đổi số, fintech.
Ngoài vai trò tại TSS, ông Bảo còn là Chủ tịch liên minh chuyển đổi số DTS, Chủ tịch Liên minh blockchain bền vững (BAS), Phó chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA).
Trung tâm Quản lý tài sản Số (TSS) ra mắt vào cuối năm 2021 với mục tiêu tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam số hóa tài sản. Đơn vị được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân để làm nhiệm vụ thúc đẩy, tổ chức các hoạt động số hóa, quản lý tài sản số trong các hoạt động kinh tế.
Trung tâm trực thuộc Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Cùng với xu hướng của thế giới metaverse (thế giới ảo nơi con người tương tác với nhau qua hình đại diện kỹ thuật số), tài sản số đang cho thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. Khi nhiều đơn vị ngành nghề tham gia và tăng tốc trên đường đua số hóa, bài toán đặt ra là làm cách nào để doanh nghiệp hoàn thành lộ trình đó một cách nhanh nhất, đúng theo quy định của pháp luật và xác lập các giá trị bền vững trong tương lai.
Các chuyên gia đánh giá Trung tâm quản lý tài sản số sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số nhanh chóng hơn, hạn chế rủi ro nếu có.