Từ khi khai trương siêu thị đầu tiên vào cuối năm 2015, đến nay Emart vẫn chưa thể mở rộng mạng lưới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong buổi gặp đối tác cung cấp tối 5/8, ông Trần Bá Dương cho biết Thiso - công ty thành viên của Thaco, trực tiếp điều hành Emart sau thương vụ mua vốn năm ngoái - đang khẩn trương mở hai siêu thị tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) ngay tháng 10 và 12 tới.
Ông Dương khẳng định không lo ngại việc khó tìm mặt bằng phù hợp với quy mô đại siêu thị nên sẽ giữ nhịp độ phát triển hệ thống, "ít nhất một năm phải có 2-3 siêu thị mới".
Sau hai địa điểm đã công bố, người đứng đầu Thaco cho biết Emart có thể hiện diện ở quận Bình Tân, quận 7 trước khi đi ra các tỉnh thành khác. Đến năm 2026, số lượng siêu thị tối thiểu phải đạt 20 để đáp ứng thoả thuận nhượng quyền hợp tác đã ký với Emart Hàn Quốc.
"Năm ngoái, siêu thị Emart có doanh thu 1.600 tỷ đồng, dẫn đầu doanh thu lẫn lượng khách bình quân trên một siêu thị ở Việt Nam. Với 20 siêu thị, doanh thu có thể đến 32.000 tỷ đồng nên mục tiêu một tỷ USD (tương đương 23.500 tỷ đồng) không khó", ông Dương nói.
Thaco mua lại 100% vốn của Emart Việt Nam vào cuối tháng 9/2021. Gặp khó khăn trong mở rộng hệ thống được xem là nguyên nhân khiến chủ sở hữu Emart bán vốn cho ông Trần Bá Dương. Thời điểm đó, vốn điều lệ của công ty là 2.711 tỷ đồng, tương đương 124 triệu USD.
Theo hợp đồng chuyển nhượng, Thaco sẽ điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Phía Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh. Do đó, siêu thị này chỉ đổi chủ, còn thương hiệu và bộ máy vận hành được giữ nguyên.
Khi Thaco mua lại, Emart đang lỗ luỹ kế 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, siêu thị này bắt đầu có lãi. Trong một lần chia sẻ với cổ đông vào năm ngoái, ông Dương cho rằng "cứ đảm bảo hiệu quả từng cửa hàng như cách họ làm thì bán lẻ không phải quá khó như người ta nghĩ".