Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết doanh thu năm ngoái của IPPG Fashion, đơn vị phụ trách mảng kinh doanh hàng hiệu của tập đoàn IPPG, tăng 64% lên mức 5.132 tỷ đồng. Nhờ đó, lãi trước thuế của IPPG Fashion đạt 423 tỷ đồng, tương đương bình quân hơn 1,1 tỷ đồng mỗi ngày. Theo ông Hạnh Nguyễn, đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay từ mảng kinh doanh hàng hiệu.
Thông qua hai công ty thành viên ACFC và DAFC, IPPG đang phân phối độc quyền hơn 100 thương hiệu thời trang tại Việt Nam, trong đó có Rolex, Cartier, Dolce Gabbana...
Nói với VnExpress, ông Hạnh Nguyễn lý giải đạt được mức lợi nhuận kỷ lục này nhờ sức mua lớn của khách hàng phục hồi tốt sau thời gian bị kìm hãm vì dịch bệnh. Ông ví dụ một số thương hiệu xa xỉ được công ty của ông phân phối như đồng hồ hiện không có sẵn để giao ngay, khách muốn mua phải đặt trước để chờ nhận hàng.
Ông Hạnh chia sẻ đang dần thôi "cầm tay chỉ việc" trong mảng thời trang cao cấp và để cho hai người con là Louis Nguyễn và Tiên Nguyễn phụ trách điều hành. Nhờ sự nhanh nhạy của thế hệ kế cận và việc áp dụng số hóa vào quản lý, bán hàng cũng góp phần tối ưu hiệu quả kinh doanh của IPPG giai đoạn vừa qua. Thời gian tới, các con ông dự kiến đưa về Việt Nam thêm hơn chục thương hiệu xa xỉ khác để phân phối, theo Chủ tịch IPPG.
Năm ngoái, lợi nhuận từ mảng hàng hiệu cũng cao gấp gần 2 lần mức lãi của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco), đơn vị cũng do ông Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch. Nhờ thị trường hàng không phục hồi mạnh, Sasco báo lãi trước thuế năm ngoái xấp xỉ 230 tỷ đồng, gấp 77 lần cùng kỳ và vượt xa kế hoạch 82 tỷ đồng công ty đề ra trước đó.
Doanh thu quý cuối năm của Sasco năm ngoái khoảng 560 tỷ đồng, tăng chín lần so với cùng kỳ 2021. Nguồn thu từ hoạt động bán hàng miễn thuế và phòng chờ sân bay đều tăng trưởng hai chữ số. Sau khi trừ chi phí, Sasco báo lãi sau thuế đạt 89 tỷ đồng, gấp 33 lần so với cùng kỳ 2021. Con số này cũng đánh dấu giai đoạn lãi đậm nhất trong ba năm qua và cao hơn cả những quý trước khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.