Doanh nhân

Ông Hoàng Nam Tiến: “Bây giờ đi xin việc không phải thời ‘flex’ powerpoint, word, excel mà là AI”

Mới đây, tại talkshow bàn về cơ hội tiếp cận xu hướng công nghệ sẽ định hình tương lai và những bài học quý giá về khởi nghiệp, lãnh đạo và kinh doanh mang tên "Hành trình tới Sao Hỏa và tương lai của chúng ta", ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường ĐH FPT, chia sẻ rằng sở dĩ Elon Musk có thể nghĩ ra nhiều ý tưởng "điên rồ" là do vị tỷ phú này có những suy nghĩ không giống như người bình thường.

"Tôi biết đến và hâm mộ Elon Musk thông qua một dự án kinh tế xanh thất bại của ông ấy. Đó là dự án làm ra những viên ngói. Dù tôi không hâm mộ xe Tesla (cười – PV) nhưng tôi có lòng tin thật sự vì người thường không làm được thế. Chúng ta có thể chưa ở tầm Elon Musk, nhưng để làm ra được những điều khác biệt, chúng ta cần phải nghĩ khác và làm khác", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Ông Hoàng Nam Tiến: “Bây giờ đi xin việc không phải thời ‘flex’ powerpoint, word, excel mà là AI” - Ảnh 1.

Ông Elon Musk hiện là người giàu nhất trên thế giới. Ảnh: Reuters

Nêu ví dụ về Elon Musk cũng phải làm việc như người thường, thậm chí vượt trội hơn rất nhiều, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ, vị tỷ phú này thường làm việc từ 80 – 100 giờ mỗi tuần. Điều này cho thấy rằng để biến những ý tưởng "điên rồ" thành hiện thực thì chính bản thân Elon Musk cũng phải nỗ lực rất nhiều.

"Bản thân tôi từng bị nhiều bạn trẻ ném gạch đá khi nói chúng ta nên làm việc từ 12 – 14 giờ/ngày. Đó là thời điểm khi tôi có đủ gạch đá để xây ba tòa nhà FPT. Nhưng tôi nghĩ rất bình thường vì sự thật là tất cả bạn bè xung quanh tôi đều là những người làm việc với thời gian như vậy. Tôi nghĩ để làm một nhà lãnh đạo thì phải cần nỗ lực như vậy và Elon Musk là một tấm gương", ông Tiến cho biết.

AI phát triển ồ ạt nhưng có thứ không thể thay thế con người

Ông Hoàng Nam Tiến: “Bây giờ đi xin việc không phải thời ‘flex’ powerpoint, word, excel mà là AI” - Ảnh 2.

Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ, mù công nghệ hiện này tức là không biết về AI và Big Data. Ảnh: MH

Trước sự phát triển một cách nhanh chóng của thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện..., ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ, việc đầu tiên FPT cần làm là sẽ đưa chương trình đào tạo AI áp dụng từ lớp 1 – 12 cho 12 trường phổ thông, đồng thời liên tục tuyên truyền để có thể tạo được sự ảnh hưởng và ủng hộ từ nhiều trường khác.

Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường ĐH FPT chia sẻ: "Tôi nghĩ ngày xưa chúng ta nói chuyện mù chữ, tức là không biết đọc, biết viết. Còn ngày hôm nay, chúng ta sẽ nói về mù công nghệ, tức là không biết về AI và Big Data. Trong những kỹ năng mà đòi hỏi người lao động cần biết trong tương lai, người ta đã bỏ ra dòng chữ yêu cầu thành thạo Powerpoint, Word, Excel trong CV xin việc. Thay vào đó, họ ghi lại yêu cầu rằng người lao động phải có kỹ năng sử dụng mọi ứng dụng về AI và Big Data. Đây là điều rất bình thường".

Bản thân những người lãnh đạo cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu thất bại. "Thế giới thay đổi như thế này mà chúng ta không làm thì làm sao mình biết nó sai hay đúng. Mình không đi làm sao biết có đến được hay không. Tinh thần này luôn thấm đẫm trong cả cuộc đời của Elon Musk", ông Tiến nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường ĐH FPT chia sẻ thêm rằng, khi mọi người còn đang tranh cãi về chuyện công nghệ thì ở trường của FPT đã yêu cầu tất cả các học sinh, sinh viên phải học võ. Vì cho rằng học một tiết thể dục mỗi tuần là không đủ nên FPT đưa Việt Võ Đạo (Vovinam) vào trong chương trình giảng dạy để thay cho môn thể dục. Con người chúng ta cần một trí tuệ sáng suốt, tâm hồn tươi đẹp ở trong một cơ thể khỏe mạnh.

"Khi học võ, tôi thấy rằng học sinh sẽ học được về đạo làm người, có sức khỏe rất tốt, có thể bảo vệ được bản thân mình. Nếu may mắn, các con có thể bảo vệ được những người xung quanh mình. Trước khi đưa AI, chúng tôi đã đưa võ vào chương trình học vì tin rằng tâm lực, thể lực và trí lực đều quan trọng như nhau đối với một đứa trẻ", ông Tiến cho hay.

Ông Hoàng Nam Tiến: “Bây giờ đi xin việc không phải thời ‘flex’ powerpoint, word, excel mà là AI” - Ảnh 3.

AI chưa thể thay thế con người, nhưng ông Hoàng Nam Tiến cho rằng chúng ta cần phải tập trung vào sự sáng tạo để không bị đào thải trong tương lai. Ảnh: MH

Ngoài ra, tại trường ĐH FPT, tất cả các sinh viên khi ra trường đều phải biết chơi một loại nhạc cụ dân tộc. Đây được coi là môn chính và nếu không qua thì không được ra khỏi trường, không nhận bằng tốt nghiệp. Các bạn sinh viên sẽ được lựa chọn giữa các loại nhạc cụ như sáo, đàn bầu, đàn tranh, trống...

"Chúng tôi có lòng tin là người Việt Nam phải có một chất gì đó trong mình. Chất đó giữa thời buổi công dân toàn cầu như hiện nay thì thứ cần thiết chính là biết về âm nhạc Việt Nam. Chúng tôi có câu rằng 'sinh viên ĐH FPT bước ra thế giới với tiếng đàn bầu ở trong tim". Chúng tôi đã làm được điều này từ rất lâu, đó là sự cân bằng giữa nhiều yếu tố", ông Hoàng Nam Tiến bộc bạch.

AI đang phát triển rất nhanh, vậy con người phải chuẩn bị những kỹ năng gì để vượt trội hơn AI?

Về câu hỏi này, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: "Cho đến thời điểm này, những gì từ trái tim đến trái tim, từ ánh mắt đến ánh mắt, những bàn tay siết chặt, những cái vỗ vai thật mạnh hay cái cụng ly thật giòn giã là AI chưa thể thay thế được con người. Chính vì vậy, chắc chắn là chúng ta đừng cố tính nhanh hơn, nhớ lâu hơn. Thay vào đó, chúng ta hãy tập trung vào những gì thực sự mà con người sáng tạo thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị đào thải".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm