Đại diện nhóm công tác môi trường – ngân hàng – thị trường vốn, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2024), ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, Trưởng nhóm công tác cho rằng, Việt Nam cần xây dựng bằng được hệ thống phân loại quốc gia (taxonomy).
Trong đó, cần đưa ra một khung nêu lên các khái niệm, chính sách, quy định, luật cùng các ưu đãi để thực hiện cam kết trung hòa carbon công bằng và hợp lý cùng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Điều này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp có thể xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể cùng dòng tài chính cho các hoạt động đó.
Ngoài các nguồn vốn truyền thống như vốn ODA, đầu tư chức trực tiếp của nước ngoài, đầu tư gián tiếp thông qua hệ thống ngân hàng và thị trường vốn…, thị trường đang hình thành các dòng vốn đặc biệt cho phát triển xanh.
Để thúc đẩy tài chính xanh, ôngDominic Scriven, Trưởng nhóm công tác cũng đề xuất với Ngân hàng Nhà nước tính các nguồn vốn tài chính xanh, tín dụng xanh ngoài biên độ tăng trưởng tín dụng hàng năm. Tức là các nguồn vốn ngân hàng tài trợ hoặc cho vay các dự án xanh sẽ tính ngoài room tín dụng được phân bổ hàng năm cho các ngân hàng. Đây là cách để Việt Nam tận dụng và điều hướng dòng vốn.
Về dòng tài chính, ngoài các nguồn vốn như ODA, đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đầu tư gián tiếp thông qua ngân hàng và thị trường vốn thì đang hình thành các dòng vốn đặc biệt cho phát triển xanh. Điển hình là dòng vốn loại trừ, dòng vốn chuyển dịch, dòng vốn có tác động, dòng vốn không hoàn lại và dòng vốn tự nhiên (vốn cho sự ổn định đa dạng sinh học)...
Theo ông Dominic thách thức của Việt Nam đang ngày càng rõ khi các sản phẩm không đáp ứng được tiêu chí xanh sẽ gặp phải thuế và các rào cản khác.
Điển hình nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) sắp tới, dự luật tương tự cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tại Mỹ cũng đang trong quá trình xây dựng hay các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến chủ thể rửa xanh – tổ chức có hành vi làm sai lệch hay bóp méo thông tin để khiến người tiêu dùng tin rằng doanh nghiệp đó có trách nhiệm với môi trường.
Ngay cả với hoạt động công bố thông tin, các doanh nghiệp không chỉ cần theo đuổi chuẩn mực kế toán IFRS như hiện tại, mà còn tiến tới chuẩn mực Quốc tế về tính bền vững (ISSB), đại diện nhóm công tác cho biết.
Theo ông, phát triển bền vững - ESG dựa trên ba trụ cột chính, Môi trường (E) – Xã hội (S) và Quản trị (G). Tuy nhiên, cần phân tách hai yếu tố E và S khỏi quản trị là vì quản trị là yếu tố đã được nghiên cứu mấy trăm năm và không còn dư địa cải tiến.
Với yếu tố xã hội, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến "không để ai bị bỏ lại phía sau", còn lại chứ E - môi trường có tính cấp thiết rất lớn. Khi nhóm công tác thành lập cách đây 2,3 năm, có tới 27 kiến nghị từ các thành viên, trong đó chủ yếu tập trung vào làm sao để phát triển xanh, phát triển bền vững.
Nhóm công tác cũng kiến nghị Việt Nam và các doanh nghiệp sớm nghiên cứu thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD), thực hiện quản trị rủi ro về vốn tự nhiên, sự ổn định đa dạng sinh học, nghiên cứu thị trường tín chỉ đa dạng sinh học.
Còn theo nhóm công tác về hạ tầng, Việt Nam cần tiếp cận nguồn tài chính quốc tế để tận dụng tiềm năng cơ sở hạ tầng và tăng trưởng bền vững.
Nhóm công tác đánh giá mặc dù công suất gió và năng lượng mặt trời đã được phát triển đáng kể ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng công suất này phần lớn được tài trợ kết hợp giữa các ngân hàng trong nước và khu vực hoặc các ngân hàng đánh giá doanh nghiệp thay vì rủi ro dự án.
Cơ cấu cũng thường dựa vào một hình thức giảm thiểu rủi ro tín dụng, thường là bảo lãnh, từ các ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án.
Do các vấn đề tồn tại dai dẳng về tính khả thi cấp vốn theo khuôn khổ IPP, nhìn chung chưa có cơ chế tài trợ cho dự án không truy đòi, vốn mang lại chi phí vốn thấp hơn và áp dụng kỳ hạn dài hơn so với nguồn vốn trong nước.
Điều quan trọng đối với Việt Nam là việc phụ thuộc vào hỗ trợ giảm thiểu rủi ro tín dụng từ các ngân hàng trong nước hoặc nhà tài trợ dự án là không khả thi để phát triển dự án quy mô lớn. Ngoài ra, thanh khoản hạn chế, lãi suất cao, thiếu nguồn tài chính dài hạn và giới hạn ngành của khu vực ngân hàng trong nước sẽ đòi hỏi sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nợ nước ngoài để cấp vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng trong thập kỷ tới.
Chính phủ nên làm việc với khu vực tư nhân hàng đầu và các tổ chức tài chính đa phương để huy động nguồn vốn dự án cần thiết cho các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030.
Các tổ chức tài chính đa phương nên tham gia để đảm bảo có sẵn các bảo lãnh nhằm giảm thiểu rủi ro quốc gia và hỗ trợ cơ sở hạ tầng quy mô lớn, năng lượng tái tạo và phát triển dự án LNG.